Mới đây, Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi người dân Việt Nam cùng nhau chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19, thực hiện theo thông điệp “5K”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân trong tỉnh đều hiểu và hưởng ứng thông điệp có ý nghĩa này.
Chị Lê Thúy Hạnh, một người dân ở tổ dân phố số 6, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi thấy thông điệp “5K” mà Bộ Y tế đưa ra rất dễ nhớ, đó là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Thực ra, trước đây, chúng ta cũng đã thực hiện các quy định này, nhất là trong thời điểm cả nước giãn cách xã hội (2 tuần đầu tháng 4). Bởi vậy, không phải riêng tôi mà rất nhiều người dân trong tỉnh đều hiểu được mục đích mà thông điệp đưa ra.
Còn anh Trần Văn Thủy, ở tổ dân phố số 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nhận định: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết, thế giới đã ghi nhận gần 30 triệu ca mắc COVID-19, con số tử vong cũng chiếm khá cao. Thực tế này cho thấy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, dù Việt Nam đã hơn 10 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới trong cộng đồng dương tính với vi rút SAR-CoV-2 nhưng vẫn đòi hỏi mỗi người dân phải nêu cao cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, thông điệp “5K” như một lời nhắc nhở để mỗi người dân Thái Nguyên chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh.
Cũng như chị Hạnh, anh Thủy, nhiều người dân ở Thái Nguyên đã có ý thức thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang khi đi ra đường, tích cực sử dụng dung dịch khử khuẩn, giữ khoảng cách khi ở nơi đông người, không tụ tập đông người và có trách nhiệm trong việc khai báo y tế. Mặc dù vậy, để việc thực hiện thông điệp một cách hiệu quả thì mỗi người dân nên hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của từng thông điệp cũng như có ý thức, trách nhiệm trong việc hưởng ứng. Đối với việc “không tụ tập” đông người, thông điệp này đã thể hiện rất rõ yêu cầu đưa ra để người dân chủ động thực hiện.
Tuy nhiên với một số thông điệp khác, việc thực hiện vẫn nên có sự hướng dẫn cụ thể. Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: Người dân nên hiểu rõ thông điệp đeo “khẩu trang”. Đó là, bà con không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế mà có thể dùng khẩu trang vải tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Khẩu trang y tế chỉ dùng khi mọi người đến các cơ sở y tế, khu cách ly. Với thông điệp “khử khuẩn”, Bộ Y tế kêu gọi người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc; giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. Về việc thực hiện giữ “khoảng cách”, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân đứng cách xa nhau từ 1m trở lên khi tiếp xúc với người khác để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.
Ngoài 4 thông điệp vừa nêu trên thì “khai báo y tế” là một nội dung rất quan trọng, nhất là với hình thức khai báo qua các trang thông tin, khai báo bằng tờ khai điện tử. Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có những hướng dẫn về vấn đề này khá cụ thể như: thực hiện khai báo y tế trên app NCOVI hoặc cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở gọi đường dây nóng của Bộ Y tế hoặc cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn đi khám bệnh an toàn. Để thực hiện thông điệp này rất cần sự chủ động, tích cực của người dân trong tỉnh.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế nói: “5K” là thông điệp đơn giản, dễ nhớ, nhưng lại chứa đựng đầy đủ những thông tin, kiến thức cần thiết cho mỗi người dân có thể tự bảo vệ chính mình trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, mỗi người dân chúng ta chỉ cần ghi nhớ và thực hiện tốt những khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc chung sống lâu dài với dịch bệnh cũng sẽ là chuyện hết sức đơn giản. Dù đến nay, COVID-19 chưa được đẩy lùi, nhưng chỉ cần thực hiện tốt thông điệp “5K” thì chúng ta đã xây dựng được một bức tường thành bảo vệ cho chính mình, cũng như toàn xã hội để chung sống an toàn trước đại dịch nguy hiểm này.