Áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào khám, điều trị cho người bệnh

13:10, 22/10/2020

Là bệnh viện đa khoa hạng I, có quy mô 700 giường bệnh, được tổ chức thành 23 khoa, 8 phòng chức năng, khoảng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện C Thái Nguyên đã đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trở thành cơ sở y tế được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, Bệnh viện đã triển khai và làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp bệnh nhân được hưởng nhiều dịch vụ chất lượng cao tại chỗ, không phải đi xa, giảm chi phí điều trị. Cụ thể, Bệnh viện đang là cơ sở y tế tuyến tỉnh duy nhất của Thái Nguyên thực hiện được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da trên hệ thống máy DSA (Digital Subtraction Angiography).

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật này từ đầu năm (trung tuần tháng 3). Đây là hệ thống chụp hình mạch máu mới bằng tia X. Digital Subtraction Angiography (DSA), là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khitiêm thuốc cản quang vào cơ thể người bệnh, thu được hình ảnh đầy đủ của tim, động mạch vành, động mạch cảnh, ngực, bụng và động mạch đùi… Từ đó, thấy rõ hơn các thương tổn và bệnh lý mạch máu trước khi chỉ định can thiệp mạch.

Sản phẩm này là sự kết hợp giữa kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng máy vi tính và kỹ thuật chụp hình mạch máu thông thường theo kỹ thuật Seldinger. Với nhiều ưu điểm, kỹ thuật này giúp các bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu; giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể; lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể. Nhờ đó, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim được xác định, chẩn đoán rõ ràng, can thiệp nhanh chóng, kịp thời trong khoảng thời gian vàng nên đã được cứu sống. Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm: Từ khi nhận chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thí điểm 15 ca chụp mạch vành, 2 ca đặt stent động mạch vành đạt kết quả tốt, các bệnh nhân đều đã được xuất viện.

Không dừng lại ở đó, từ tháng 1 năm 2016 đến nay, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật thay khớp háng và phẫu thuật thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó bệnh nhân cao tuổi chiếm đa số. Mới đây nhất, vào đầu tháng 7, Bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Hoàng Văn N., là bệnh nhân nam cao tuổi nhất (84 tuổi). Khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi, hoại tử chỏm xương đùi trái. Bệnh nhân có tiền sử thoái hóa khớp háng hai bên, đã phẫu thuật thay khớp háng bên phải cách đây 4 năm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt, đã đứng dậy được và tập đi lại bằng nạng.

Ngoài hai kỹ thuật nêu trên, Bệnh viện C Thái Nguyên còn phát triển chuyên sâu các kỹ thuật về chấn thương sọ não, cột sống, thay khớp vai, điều trị tốt các trường hợp bỏng nặng, vết thương mạch máu, nối chi; phát triển kỹ thuật tai xương chúm nội soi bằng kính hiển vi, phẫu thuật nội soi vá nhĩ; đo thính lực đồ; thực hiện được kỹ thuật mới như các xét nhiệm về nội tiết, sinh sản: LH, Progesterol, Testosterol, Prolactin; phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như định danh vi khuẩn trên máy Vitec; đo tải lượng Virut trên máy Cobas (HIV,HBV), cấy máu bằng máy tự động...

Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân ở phường Phố Cò (T.P Sông Công) cho hay: Tôi rất tin tưởng vào “tay nghề” của các y, bác sĩ và các kỹ thuật mới đang được áp dụng tại Bệnh viện C Thái Nguyên. Mỗi khi đau ốm, tôi thường đến đây khám bệnh và được các bác sĩ điều trị rất hiệu quả. Mới đây nhất, tôi bị viêm phổi nặng phải điều trị hơn 2 tuần trong Bệnh viện. Chưa nói đến những thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mà chỉ nói đến thái độ và tinh thần phục vụ, trình độ của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây đã khiến tôi cảm thấy rất hài lòng.

Có thể khẳng định, việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới tại Bệnh viện C đã giảm các chi phí đi lại, điều trị cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Để tiếp tục phát triển thêm các kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, thời gian tới, cùng với việc cân đối nguồn lực đầu tư cho máy móc, thiết bị, Bệnh viện tiếp tục tạo điều kiện cho các bác sĩ, điều dưỡng… được đi đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện, Bệnh viện đang có hơn 590 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, trong đó có 1người trình độ tiến sĩ, trên 60 bác sĩ có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa cấp I và cấp II.