Phát triển các bệnh viện theo hướng chuyên sâu

18:38, 27/10/2020

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hệ thống các bệnh viện thực hiện định hướng y tế chuyên sâu. Cụ thể như, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Quốc tế. Thông qua đó, ở từng chuyên khoa và các bệnh viện đều phát triển theo hướng chuyên sâu, mũi nhọn, thực hiện được những kỹ thuật đỉnh cao của y học.

Một trong những đơn vị đang phát triển theo hướng chuyên sâu là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Cùng với việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân mắc bệnh lao, cơ sở y tế này đang trở thành một bệnh viện chuyên sâu các bệnh về phổi có chất lượng cao. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với quy mô 270 giường bệnh, hiện, ngoài điều trị bệnh lao và các bệnh phổi cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, Bệnh viện còn thực hiện chỉ đạo tuyến và triển khai chương trình phòng, chống bệnh lao từ tỉnh đến cấp huyện, xã… Ngoài ra, Bệnh viện còn chủ động phòng ngừa và thu dung điều trị các bệnh dịch xảy ra liên quan đến bệnh lý về hô hấp như cúm H5N1, COVID-19...  Bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, như: thở máy không xâm nhập, nội soi khí phế quản ống mềm lấy dị vật, nội soi rửa phế quản phế nang chọn lọc, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của siêu âm, xét nghiệm miễn dịch phát hiện ung thư...; điều trị lao kháng thuốc ngắn hạn 9 tháng, kỹ thuật Gene Xpert Rif/MTB phát hiện lao, lao kháng thuốc.

Cũng nhờ phát triển theo hướng chuyên sâu, đến nay, Bệnh viện A Thái Nguyên đã trở thành một địa chỉ có uy tín đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2016, Bệnh viện đã phát triển kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao thuộc chuyên ngành hỗ trợ sinh sản. Nhờ đó, đến nay, trên 900 trẻ em đã được sinh ra khỏe mạnh từ phương pháp này tại Bệnh viện. 

Hay như tại Bệnh viện C Thái Nguyên, nhiều năm nay đã tích cực tham gia đào tạo và nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội theo Đề án bệnh viện vệ tinh. Thông qua đó, Bệnh viện có thể làm chủ các kỹ thuật về tim mạch, giúp cho việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn; giúp cho người bị bệnh tim không phải chuyển lên tuyến trên; cứu sống được nhiều ca bệnh phức tạp, giảm thiểu những biến chứng, di chứng sau điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương…

Còn tại Bệnh viện Y học cổ truyền, đến nay, cũng đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ thăm khám chuyên sâu về các bệnh lí.Để có thể phát triển theo hướng chuyên sâu, 5 năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện được quan tâm đầu tư phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền theo hướng hiện đại hoá y dược cổ truyền và thực hiện có hiệu quả một số phẫu thuật, thủ thuật… Bà Lưu Thị Nga, một người dân ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi bị thoát vị đốt sống lưng nên thường xuyên đau lưng, đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, khi đến đây, được các bác sĩ điều trị bằng y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt… tôi thấy bệnh đã thuyên giảm rất nhiều.

Rõ ràng, từ việc hình thành và phát triển hệ thống các bệnh viện theo hướng chuyên sâu, nhiều kỹ thuật khó trong khám, điều trị cho bệnh nhân đã được thực hiện ngay tại Thái Nguyên. Nhờ đó, giảm được chi phí điều trị, thời gian đi lại cho người dân.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội thì việc phát triển hệ thống các bệnh viện theo hướng chuyên sâu cũng đặt ra những thách thức lớn về cơ sở vật chất, thiết bị y tế và nguồn lực con người. Do đó, để bắt kịp xu hướng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân trong, ngoài tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư các loại thiết bị y tế hiện đại, thời gian tới, công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn để làm chủ công nghệ, làm chủ thiết bị, máy móc là rất cần thiết, cần được ngành Y tế, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Qua đó sẽ phát triển thêm được các kỹ thuật khó về chẩn đoán, phẫu thuật, điều trị, trong đó có các kỹ thuật khó như ghép tạng, ghép tế bào gốc máu…

 



Địa chỉ phòng khám đa khoa cộng đồng Hà Nội Bệnh viện Emcas với xu hướng ghép mỡ