Trung tuần tháng 10, nền nhiệt độ vào đêm và sáng sớm ở Thái Nguyên đã có thời điểm giảm xuống dưới 20 độ C. Năm nay, xu hướng thời tiết chuyển lạnh sớm hơn so với 4 năm trở lại đây. Chính sự chuyển mùa sớm, hình thái thời tiết thay đổi nhanh giữa nóng và lạnh dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh viêm đường hô hấp ở người lớn và trẻ em.
Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại phòng khám nhi tư nhân nằm trên đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên), ngay giáp khu vực cầu Gia Bẩy. Rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến đây khám bệnh viêm đường hô hấp, phần lớn trẻ đều có triệu chứng chảy nước mũi, ho, sốt…
Chị Hà Thị Kiều, tổ dân phố số 3, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho hay: Cứ chuyển mùa là con tôi (đã được hơn 1 tuổi) lại mắc bệnh viêm đường hô hấp. Hai ngày nay cháu ho nhiều, khó thở, sốt cao, nê tôi đưa con đến đây để khám. Trên thực tế, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, không chỉ trẻ em, mà cả người cao tuổi cũng mắc bệnh viêm đường hô hấp. Bà Trương Thị Hòa, tổ dân phố số 2, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi thường đi bộ vào buổi tối để rèn luyện sức khỏe. Vì chủ quan, mấy hôm trước tôi không mặc ấm nên bị viêm đường hô hấp. Cũng may tôi có người cháu ruột là bác sĩ đến tận nhà khám, kê đơn thuốc nên sau ba ngày uống thuốc, tôi đã giảm ho…
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung Thái Nguyên) nhận định: Vào thời điểm giao mùa, các loại virus, vi khuẩn chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm đường hô hấp. Trong điều kiện ô nhiễm môi trường bởi khói bụi, thuốc lá, chúng ta càng dễ mắc phải căn bệnh này. Viêm đường hô hấp không phải là bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Triệu chứng của bệnh rất dễ nhận biết như: sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi…
Với thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt, khi nhiễm bệnh, người bệnh thường bị sốt cao chia thành từng cơn. Nhiệt độ cơ thể trung bình khoảng 39 độ C. Đi kèm với sốt là sổ mũi, hắt hơi liên tục, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Sau đó người bệnh bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Khi virus gây bệnh ở thanh quản sẽ khiến người bệnh bị khàn tiếng đến tắt tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm…
Những bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp thường tự khỏi sau 5 - 6 ngày, trường hợp lâu có thể đến một tuần. Bệnh không nguy hiểm nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, cản trở quá trình lao động, học tập. Ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh có thể gây nhiều biến thể nghiêm trọng. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp càng được xem trọng.
Do đó, bác sĩ Nhung khuyến cáo, nhóm bệnh nhân có bệnh nền cần tăng cường phòng bệnh không chỉ với COVID-19 mà với cả các bệnh theo mùa, nhất là bệnh viêm đường hô hấp. Để phòng bệnh, tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng, mọi người cần ăn đủ chất, uống đủ nước, cung cấp đủ vitamin; tập trung điều trị bệnh nền theo đúng phác đồ chỉ định của các bác sĩ đối với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; cao huyết áp…