Hiện nay, nhiều ca bệnh khó, phức tạp đã được các bác sĩ ở những cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện thành công. Đây chính là kết quả của việc thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh; của sự đầu tư chính đáng về nguồn nhân lực và tinh thần ham học hỏi của cán bộ ngành Y tế trong tỉnh.
Một minh chứng rõ nét nhất là ca phẫu thuật thành công tạo mỏm cụt cẳng tay trái cho một nam bệnh nhân, 22 tuổi tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình. Theo đó, ngày 15/4/2020, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng shock chấn thương, toàn bộ cổ tay, bàn tay trái bị đứt dời hoàn toàn, dập nát do bị tai nạn máy bóc gỗ. Vết thương đầu dưới cẳng tay của người bệnh bị đứt hoàn toàn, lộ gân xương, mạch máu. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức, chống shock, giảm đau, băng ép cầm máu cho bệnh nhân. Chỉ sau 4 ngày được kíp phẫu thuật cắt lọc tổ chức, khâu thắt mạch máu, tiêm xơ thần kinh, loại bỏ đầu xương dập nát bằng cưa rung, đặt dẫn lưu và khâu tạo hình mỏm cụt, bệnh nhân đã tỉnh táo, vết mổ khô, tiên lượng tốt. Bệnh nhân sau đó đã được xuất viện.
Bác sĩ Đồng Văn Phúc, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết: Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị chấn thương do các loại máy bóc gỗ công nghiệp gây ra. Trước đó, Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện đã cấp cứu thành công rất nhiều trường hợp bị tai nạn chấn thương do các loại máy sản xuất nông, lâm nghiệp gây ra. Sau đó ít ngày (23-5), Bệnh viện đa khoa Phú Bình lại cấp cứu thành công cho cả mẹ và thai nhi khi sản phụ nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các bác sĩ đã mổ lấy thai cấp cứu nhưng sau mổ, thai nhi lại có dấu hiệu suy hô hấp rất nặng. Bằng nhiều nỗ lực, các điều dưỡng, bác sĩ đã cứu sống được thai nhi.
Không riêng gì Bệnh viện đa khoa Phú Bình mà ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong tỉnh như Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương… cũng đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như nội soi tai mũi họng; nội soi dạ dày - tá tràng; phẫu thuật kết hợp xương; phẫu thuật tổn thương bàn tay phức tạp; mổ cắt u bao gân, nối gân gấp, gân duỗi; mổ lấy thai; tiêm khớp ngoại vi, vận động phục hồi chức năng...
Không chỉ thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh phức tạp, các cơ sở y tế tuyến huyện còn hỗ trợ về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã. Bác sĩ Triệu Thị Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Việc di chuyển bệnh nhân lên bệnh viện huyện rất mất thời gian, đôi khi vô tình làm mất đi cơ hội của bệnh nhân được tiếp xúc sớm với các dịch vụ y tế cần thiết. Do đó, khi được các đồng nghiệp giúp đỡ, tư vấn về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ thực hiện được nhiều ca bệnh phức tạp một cách hiệu quả, giúp giảm tải cho tuyến trên.
Đánh giá về những nỗ lực của các cơ sở y tế tuyến huyện, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Với việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, nhất là việc phẫu thuật được nhiều ca bệnh phức ngay tại cơ sở y tế tuyến huyện đã giảm chi phí đi lại cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ngay tại địa phương. Để làm được những kỹ thuật này các cơ sở y tế tuyến huyện đã được tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều kíp cán bộ được cử đi đào tạo các kỹ thuật chuyên khoa tại các Bệnh viện hạt nhân như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E Hà Nội…