Là dược liệu thiên nhiên, có tác dụng làm đẹp da, khai thông khí huyết, hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày nên các sản phẩm từ nghệ ngày càng được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, các sản phẩm này sẽ có tác dụng ngược lại. Tại Thái Nguyên, đã có khá nhiều trường hợp nhập viện do sử dụng các sản phẩm từ nghệ không đúng cách.
Ngày 30/11/2020, Bệnh viện A Thái Nguyên đã tiếp nhận một nam bệnh nhân, 54 tuổi trong tình trạng đau bụng nhiều. Tiến hành khám, xét nghiệm và nội soi thực quản - dạ dày, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có khối bã thức ăn lớn bằng quả trứng ngỗng, kèm theo viêm thực quản trào ngược độ A, viêm dạ dày. 3 ngày sau, bệnh nhân đã được tiến hành nội soi can thiệp có gây mê để cắt bỏ hết khối bã thức ăn trong dạ dày. Sau hai ngày phẫu thuật, qua nội soi kiểm tra cho thấy, khối bã đã được đào thải hết qua đường tiêu hóa, tuy nhiên dạ dày của bệnh nhân vẫn còn tổn thương. Sau gần 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.
Theo tìm hiểu của các bác sĩ, bệnh nhân có thói quen ăn măng trong các bữa ăn hằng ngày. Thời gian gần đây bệnh nhân có biểu hiện đau bụng nên tự nấu nghệ tươi ăn thay rau (khoảng 1 bát con một bữa). Cách sử dụng nghệ không đúng cách của bệnh nhân đã gây ra tình trạng đau bụng, tạo khối bã thức ăn trong dạ dày.
Ngoài bệnh nhân nam nêu trên, Bệnh viện A cũng đã từng tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân 69 tuổi bị tắc ruột vì dùng nghệ mật ong. Trước khi đến bệnh viện thăm khám và phát hiện khối bã thức ăn màu vàng lớn tương đương quả cam sành, bệnh nhận có nhiều năm sử dụng nghệ mật ong do thường xuyên bị đau bụng và nghĩ mình bị đau dạ dày. Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt bỏ hết khối thức ăn thừa. Khi nội soi lại, bác sĩ phát hiện phần dạ dày tiếp xúc với khối bã thức ăn bị viêm, có loét trợt…
Từ thực tế trên cho thấy, sử dụng các sản phẩm từ nghệ không đúng cách có thể gây ra hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cảnh báo: dùng nghệ, tinh bột nghệ không đúng cách rất dễ tạo kết dính bã thức ăn gây tắc ruột. Khối bã thức ăn hình thành khi quá trình sử dụng các sản phẩm từ nghệ, bệnh nhân ăn kèm với những thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi,.. và thức ăn có nhiều chất bã xơ xen-lu-lô như măng… Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, nghệ, các loại hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ càng làm tăng nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Bởi vậy, không nên sử dụng nghệ tươi, tinh bột nghệ quá nhiều; pha tinh bột nghệ vàng với nước quá nóng; cẩn trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và không dùng chung với các loại thuốc Tây y. Đặc biệt, sử dụng các sản phẩm từ nghệ tốt nhất cho sức khỏe là vào buổi sáng, trước khi ăn, nhất là đối với các bệnh nhân mắc bệnh dạ dày.
Ngoài ra, sử dụng nghệ với hàm lượng cao có thể làm giảm lượng đường trong máu hoặc huyết áp. Điều này có nghĩa là người bị bệnh tiểu đường hoặc huyết áp nên thận trọng khi bổ sung bột nghệ hoặc nghệ. Tốt nhất nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi dùng. Những người cần làm phẫu thuật nên ngưng tiêu thụ bột nghệ trong khoảng hai tuần trước khi phẫu thuật vì củ nghệ có khả năng ngăn ngừa đông máu. Nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu nhiều, khó cầm trong và sau khi phẫu thuật.
Theo nghiên cứu gần đây, nghệ có thể kích hoạt các cơn đau ở những người bị sỏi mật nên người có các dấu hiệu của căn bệnh này hãy tránh xa nghệ. Nghệ có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa, dạ dày nhưng tinh bột nghệ cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng axit. Khi dùng chung với thuốc kháng axit như Tagamet, Pepcid, Zantac, Nexium, hoặc Prevacid thì củ nghệ có thể gây tăng axit dạ dày, gây các cơn đau ngoài ý muốn. Vì vậy lưu ý không sử dụng chung tinh bột nghệ với thuốc kháng axit và đặc biệt không dùng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày…