Hơn một tuần qua, Thái Nguyên chìm sâu trong khối không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu. Ở khu vực vùng núi như các xã nằm dưới chân núi Tam Đảo thuộc địa bàn huyện Đại Từ; các xã vùng cao ở Võ Nhai, Định Hóa…, nhiệt độ về đêm và sáng sớm xuống dưới 5 độ C; nhiệt độ trung bình trong ngày dưới ngưỡng 10 độ C. Trời rét hại kéo dài suốt thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tại một số cơ sở y tế trong tỉnh, lượng người đến khám, chữa do ảnh hưởng của giá rét tăng từ 20 đến 30% so với trước.
Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, với các bệnh lý thường gặp là viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, bị suy hô hấp, phải vào viện cấp cứu hay tình trạng bị đột quỵ ở người cao tuổi… Cụ thể như tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trong tuần qua, trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 2.000 người đến khám, điều trị, trong đó có đến hàng trăm người phải nhập viện do ảnh hưởng của giá rét (chủ yếu người già và trẻ em). Đặc biệt, có khá nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Lâm Văn Tài, Khoa Cấp cứu cho hay: Một tuần qua, lượng người được đưa vào Khoa do đột qụy tăng hơn trước, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng. Riêng trong ngày 10-1, chúng tôi phải làm thủ tục trả về cho gia đình 3 trường hợp chảy máu não, hôn mê sâu, không thể tiếp tục điều trị được nữa.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, lượng người đến khám, điều trị cũng tăng mạnh. Ông Nguyễn Văn Thế, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi bị ho 3 ngày nay, đêm không ngủ được. Qua thăm khám, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm phế quản. Hiện nay, tôi đang đợi bác sĩ kê đơn thuốc để về nhà điều trị ngoại trú, một tuần sau sẽ tái khám…
Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên nói: Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, đặc biệt là virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố không thuận lợi về môi trường làm virus, vi khuẩn biến đổi dễ xâm nhập vào cơ thể gây ra các biến chứng. Do đó, với những người có sức đề kháng không tốt, nhất là người già và trẻ em, nguy cơ mắc bệnh trong những ngày giá rét sẽ rất lớn.
Trong khi đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, từ nay đến trung tuần tháng 2 vẫn còn từ 5 đến 7 đợt rét hại. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe , mỗi người dân cần chú ý bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn uống khoa học, đủ bữa, đủ dinh dưỡng, uống đủ nước để tăng cường thể lực. Tăng cường các thực phẩm ấm nóng, giàu năng lượng, ăn khi còn nóng để giữ ấm cơ thể, tăng nhiệt lượng, nâng cao sức chịu rét, bảo vệ hệ thống miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng các món quá cay, nóng vì gây nóng trong, làm mất cân bằng cơ thể, cản trở hệ tiêu hóa. Chú ý tránh ăn nhiều thực phẩm tính hàn, đồ đông lạnh vì như vậy hàn khí dễ thâm nhập, khiến nội tạng bị suy yếu, dễ tổn thương, rối loạn trao đổi chất, lâu ngày sinh ra các bệnh mãn tính khiến lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu sức sống, nhiều bệnh vặt.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) khuyến cáo: Để bảo vệ sức khỏe ngày giá rét, người dân cần giữ ấm cơ thể; hoạt động thể lực vừa phải, hạn chế vận động mạnh để bảo vệ nguyên khí. Khi có hiện tượng bị cảm lạnh, mắc các bệnh viêm đường hô hấp, có hiện tượng tăng huyết áp… phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời. Riêng đối với trẻ nhỏ, lưu ý tránh trường hợp để trẻ mặc quá ấm, toát mồ hôi rồi ngấm ngược vào trong, khiến trẻ bị cảm lạnh và sốt. Vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ, tập cho trẻ thói quen rửa tay hằng ngày. Những ngày trời lạnh giá (dưới 10 độ C) chỉ nên cho trẻ chơi trong phòng, có thể sử dụng các thiết bị sưởi ấm nhưng phải đảm bảo không khí lưu thông.
Đối với người già, nhất là những người có sẵn bệnh tim mạch và huyết áp, nguy cơ đột quỵ càng tăng cao vào sáng sớm hoặc đêm khuya thì cần lưu ý giữ giữ ấm đầu, cổ, bàn chân. Trước khi ngủ dậy, nên xoa tay, xoa chân cho ấm rồi mới bước xuống giường. Nên vận động, đi lại trong nhà, không nên ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Đối với những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, huyết áp… cần đo huyết áp thường xuyên, uống thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát chế độ ăn.