Những “chiến sĩ” áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

20:15, 27/02/2021

Khi làn sóng dịch COVID-19 thứ ba quay trở lại Việt Nam, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có nguy cơ với dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc, các điều dưỡng, bác sĩ… ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải làm việc với cường độ cao hơn. Dù vậy, những con người nơi tuyến đầu chống dịch ấy vẫn luôn nỗ lực hết mình với mong muốn được chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Chúng tôi không bỏ chạy

Đó là lời khẳng định của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên dương tính với COVID-19 của tỉnh. Cơ sở khám, chữa bệnh này chính là nơi thu dung, điều trị cho những bệnh nhân dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện là những người trực tiếp tiếp xúc với nhiều bệnh nhân F1, có nguy cơ lây nhiễm cao nhất nhưng vẫn nỗ lực hết mình vì trách nhiệm xã hội, lòng yêu thương đồng bào.

Nói về nguy cơ nhiễm COVID-19 khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện cho hay: Dù đã được trang bị quần áo bảo hộ, nhưng chúng tôi đều hiểu rằng trên thế giới chưa có loại thiết bị bảo hộ nào có thể phòng dịch đạt hiệu quả 100%. Do đó, những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch như chúng tôi ý thức được rằng mình có nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nên đã chuẩn bị tinh thần từ trước và không do dự khi tiếp nhận bệnh nhân.

Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Trung bình mỗi ngày, tôi khám bệnh cho gần 100 lượt bệnh nhân. Bởi vậy, nguy cơ nhiễm SARS-CoV2- của các bác sĩ ở khu vực khám bệnh khá cao. Dù vậy, tôi vẫn luôn có ý thức hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc, không chỉ là khám, chữa bệnh mà còn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Chị Hoàng Thị Thi, nhân viên y tế thôn bản xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ): 23 năm gắn bó với công việc của một nhân viên y tế thôn bản nhưng chưa bao giờ công việc của tôi nhiều như lúc này. Vì đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, dịp Tết Nguyên đán, tôi thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân cách khai báo y tế; thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Dẫu công việc có bận rộn hơn nhưng tôi thấy vui vì được góp sức cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chia sẻ của bác sĩ Giang khiến chúng tôi cảm động. Còn nhớ, dịp cuối tháng 3-2020, người dân Thái Nguyên hoang mang, lo lắng khi trên địa bàn tỉnh phát hiện ca dương tính với COVID-19 đầu tiên. Khi ấy, thay vì lo lắng, một số bác sĩ của Bệnh viện đã không nề hà nhận nhiệm vụ đưa đón, chăm sóc bệnh nhân và các ca F1. Chị Lê Thu Hà, người trực tiếp đi đón và khai thác tiền sử dịch tễ của bệnh nhân số 178 trong cả nước và là bệnh nhân đâu tiên của tỉnh mắc COVID-19 nhớ lại: Khi ấy đang là giờ nghỉ trưa, nhận được lệnh của cấp trên, chúng tôi tức tốc chuẩn bị quần áo bảo hộ và lên đường đón bệnh nhận từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ về. Đã chuẩn bị trước tinh thần nên tôi và các đồng nghiệp không quá lo lắng khi tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Ngay trong đêm hôm ấy, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh việt Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh điều trị nhưng chị Hà vẫn phải ở lại bệnh viện cách ly thêm 14 ngày để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Khi ấy, chị cùng các đồng nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe của 23 trường hợp F1 (tiếp xúc gần với bệnh nhân 178), vừa phải “lắng nghe” cơ thể mình. Trong những ngày cách ly, chị nhớ hai con quay quắt, lũ trẻ cũng nhớ mẹ nhiều đêm không ngủ trọn giấc. Chồng chị hằng ngày vốn vụng về là thế nay phải cáng đáng cả việc nước, việc nhà vẫn vui vẻ tạo điều kiện để vợ hoàn thành nhiệm vụ. Chị tâm sự: Những lúc nhớ nhà, chiếc điện thoại chính là “sợi dây” kết nối giữa tôi với chồng và các con. Khoảng thời gian ấy rồi cũng qua, tôi được trở về nhà trong sự mừng vui khôn xiết của gia đình. Người thân thở phào nhẹ nhõm khi tôi nhận kết quả âm tính với SARS-Cov-2 sau 14 ngày cách ly.

Không chỉ riêng các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên, hơn 1 năm qua, lực lượng cán bộ y tế của tỉnh vẫn luôn nỗ lực hết mình cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với họ, dù khó khăn, vất vả đến mấy; dù dịch bệnh vô cùng hiểm nguy, họ vẫn luôn sát cánh, không bỏ rơi bệnh nhân lúc ốm đau.

Vui vẻ tăng ca để phòng, chống dịch

Khi làn sóng dịch COVID-19 thứ ba xuất hiện tại nước ta, các bác sĩ, điều dưỡng ở các trạm y tế tuyến xã phải tăng ca làm nhiệm vụ. Chị Dương Thị Vinh, Phó Trạm Trưởng Trạm Y tế xã La Bằng (Đại Từ) cho hay: Lần này, dịch COVID-19 bùng phát trở lại đúng dịp Tết Nguyên đán. Công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn khi người dân có xu hướng “ngại” khai báo y tế vì lo bị đưa đi cách ly tập trung, không được ăn Tết cùng gia đình. Do đó, cán bộ y tế phải luôn túc trực, vận động người dân khai báo y tế, hướng dẫn bà con các biện pháp cách ly… Để đáp ứng công việc trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi kíp trực vào đêm hoặc vào ngày nghỉ, chúng tôi phải phân công 2 người trực (trước đây chỉ phân công 1 người/ca). Trạm Y tế chỉ có 6 người, nên chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ. Mỗi người, 1 tuần phải trực 3 đêm nhưng không ai phàn nàn vì cường độ công việc cao…

Điều dưỡng Hoàng Thị Hạnh cho hay: Ngày 17-2 (ngày mùng 6 Tết), khi cả nước quay trở lại với công việc thường nhật sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì một trường hợp đi từ Hải Dương trở về địa phương hôm 16-1 có triệu trứng đau họng. Là người tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm y tế, tôi có chút hoang mang nhưng trấn tĩnh ngay và trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ rồi mới tiến hành kiểm tra thân nhiệt, làm thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân.

Là cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, không chỉ riêng Trạm Y tế La Bằng mà 177 trạm y tế còn lại của tỉnh cũng đang tích cực “tăng ca” làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Dù nhiều người phải trực xuyên Tết, thời gian trực ở cơ quan nhiều hơn ở nhà, không có thời gian nghỉ ngơi, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn thường trực… nhưng ai cũng tình nguyện hết mình vì công việc. Những cán bộ y tế ở đây tâm niệm, họ chưa vất vả, gian nan như những bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện tuyến trên; những bác sĩ đang ngày ngày phải điều trị trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Những ngày cuối tháng 2, dịch COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Hằng ngày, Thái Nguyên vẫn tiếp nhận những trường hợp từ vùng dịch trở về. Nhiều trường hợp là F1, F2, F3… vẫn đang trong thời gian cách ly, theo dõi tình hình sức khỏe… Điều đó đồng nghĩa với việc nguy có với dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn. Vì lẽ đó, nhiệm vụ của các “chiến sĩ” áo trắng vẫn còn nặng nề. Nhưng trong câu chuyện của họ, không một lời kêu than vất vả. Tất cả chỉ đau đáu thực hiện nhiệm vụ một cách hoàn hảo nhất, để góp phần nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch. Họ chính là tấm gương sáng phản chiếu những tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người thầy thuốc Việt Nam.