Điều trị thuốc Nam khá hiệu quả đối với nhiều loại bệnh, nhất là các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, do lạm dụng thuốc Nam hoặc sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, không có cơ sở khoa học rõ ràng, nhiều người dân trong tỉnh đã gặp phải những tai biến nguy hiểm, để lại hậu quả khôn lường.
Theo bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, thuốc Nam là chỉ những loại thuốc, thảo dược xuất phát từ trong nước (trên lãnh thổ Việt Nam) hay còn gọi là thuốc ta để phân biệt với loại thuốc có nguồn gốc và được bào chế theo sách của Trung Quốc truyền sang (thuốc Bắc).
Theo xu hướng phát triển của bệnh, bệnh mạn tính đang trở thành một trong những căn bệnh thường gặp hiện nay khi số lượng người bệnh mắc ngày càng tăng với đa dạng các loại bệnh. Bệnh tiêu tốn nhiều tiền và thời gian, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, bệnh mạn tính, đặc biệt là xương khớp, viêm gan, sỏi thận, tiểu đường... điều trị bằng thuốc Nam đều đem lại hiệu quả rất cao. Điều chế chủ yếu từ các loại thảo dược thiên nhiên, sao chế theo phương pháp gia truyền nên thuốc Nam giữ được dược tính tốt nhất. Đây chính là lý do khiến nhiều người dân trong tỉnh ưa chuộng sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh.
Tuy nhiên, do lạm dụng thuốc Nam hoặc sử dụng thuốc Nam không đúng cách, sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc… nhiều người đã bị bệnh nặng hơn hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm. Đơn cử như trường hợp của một nam bệnh nhân ở Thái Nguyên. Cách đây khoảng 4 tháng, bệnh nhân được các bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chẩn đoán ung thư phần mềm cánh tay phải. Thay vì tích cực điều trị theo phác đồ của các bác sĩ, bệnh nhân lại tự ý dùng thuốc Nam chữa tại nhà. Sau một thời gian đắp lá, bệnh không thuyên giảm mà khối u ngày càng to nhanh, sưng đỏ, lở loét, chảy dịch. Lúc này, bệnh nhân mới quay trở lại Bệnh viện để điều trị. Qua hội chẩn, xét thấy không thể bảo tồn cánh tay, các bác sĩ buộc phải cắt cụt cánh tay phải của bệnh nhân mới hy vọng đảm bảo tối đa tái phát, di căn về sau. Hiện nay, bệnh nhân đã được xuất viện và hẹn khám định kỳ.
Ngoài trường hợp bệnh nhân nêu trên, nhiều người cũng gặp phải những biến chứng khác khi điều trị bệnh bằng thuốc Nam. Anh Trần Văn Thành, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Nghe bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến một thầy lang ở Chợ Mới (Bắc Kạn) bốc thuốc về uống để chữa bệnh vôi hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, sau một tuần uống thuốc, tôi bị mẩn ngứa khắp người. Khi đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị dị ứng thuốc Nam.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho hay: Quá trình khám bệnh, tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh. Những trường hợp nhẹ là bị dị ứng mẩn ngứa, nặng hơn là suy thận, men gan tăng cao…
Trước những biến chứng nguy hiểm do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng thuốc Nam không đúng cách, Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương cho rằng: Người bệnh không được dùng thuốc quá liều lượng vì dùng thuốc Nam trong một thời gian dài, quá liều lượng có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể như: ngộ độc, suy thận… Đồng thời, phải dùng thuốc đúng thể bệnh; sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ; không được kết hợp thuốc Nam với Tây và phải phối hợp các loại thuốc chính xác trong quá trình điều trị.
Đặc biệt, thuốc Nam không thể chữa được bệnh nan y như ung thư nên những trường hợp mắc bệnh này phải sớm đến bệnh viện để được điều trị theo phác đồ. Theo các bác sĩ của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trong quá trình điều trị, họ đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư nhưng lại tìm đến điều trị thuốc Nam, đắp lá hoặc các phương pháp không chính thống khác ...ảnh hưởng đến quá trình khám, chữa bệnh, di chứng nặng nề hơn. Hơn nữa, nếu đến khám muộn, người dân mất đi "cơ hội vàng" điều trị, hoặc trì hoãn, bỏ dở điều trị khiến bệnh tiến triển nặng, tốn kém chi phí điều trị, thậm chí tử vong.