Hiện nay, T.P Thái Nguyên có 135 trường học với tổng số gần 80 nghìn học sinh (mầm non, tiểu học, THCS). Với số học sinh đông như vậy, hoạt động y tế học đường đóng một vai trò quan trọng cho công tác phòng, chống dịch cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế thành phố, thời gian qua, Chương trình Y tế học đường được triển khai đồng đều ở tất cả các trường học trên địa bàn.
Chị Lê Thị Oanh, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Con trai tôi đang học tại Trường THCS Nguyễn Du. Giữa tháng Ba vừa qua, cháu được khám sức khỏe ban đầu theo Chương trình Y tế học đường ngay tại Trường. Tôi rất yên tâm khi con mình được chăm sóc sức khỏe khá toàn diện như vậy.
Có thể thấy, Chương trình Y tế học đường đã được thực hiện khá hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Giáo dục - Đào tạo và Trung tâm Y tế thành phố. Theo đó, nhiều chương trình tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế học đường ở các trường đã được triển khai. Thông qua đó, nhiều kiến thức bổ ích đã được truyền tải đến cán bộ y tế học đường như cách phòng, chống bệnh tay, chân, miệng, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; cách xử trí các ca tai nạn thông thường cho học sinh…
Về phía các nhà trường, hằng năm, đều xây dựng kế hoạch công tác y tế ngay từ đầu năm học và có phương án phòng tránh dịch bệnh theo mùa. Trong quá trình học tập, hằng tháng, các nhà trường đều tổ chức truyền thông lồng ghép giáo dục sức khoẻ tới học sinh với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các trường đã phối hợp với các trạm y tế trên địa bàn tổ chức khám sức khoẻ và phân loại sức khoẻ cho học sinh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các bệnh về răng miệng, các tật về mắt, bệnh giun sán… Đồng thời, đưa vào diện quản lý các bệnh cong vẹo cột sống, tim mạch, rối loạn tâm thần, suy dinh dưỡng... Hiện nay, các trường học đều đã cơ bản thực hiện tốt việc lập sổ quản lý sức khoẻ học sinh theo mẫu chung do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định; 100% học sinh theo học tại các nhà trường đều có bảo hiểm y tế….
Ngoài ra, các trường còn phối hợp với các trạm y tế thực hiện công tác vệ sinh học đường thông qua việc kiểm tra nguồn nước sạch, góc học tập của học sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường có bếp ăn bán trú… Nhờ đó, cơ sở vật chất tại các bếp ăn được bảo đảm, chất lượng thực phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên trong năm học qua, tại các trường học có bếp ăn bán trú không có các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Hiện, đội ngũ cán bộ y tế học đường trong các trường học đều có thể xử lý tại chỗ được một số bệnh và tai nạn như chảy máu, ngộ độc, sốt, đau mắt, đau bụng, đau đầu... cho học sinh. Với những trường hợp nặng hơn, cán bộ y tế học đường đều làm tốt việc sơ cứu ban đầu, sau đó phối hợp với trạm y tế và gia đình chuyển học sinh lên tuyến trên điều trị kịp thời...
Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho hay: Các trường đã thực hiện công tác y tế học đường khá tốt như có cán bộ y tế học đường; xây dựng được phòng y tế và tủ thuốc. Hằng năm, các trường học đều có kế hoạch công tác y tế cụ thể cũng như làm tốt công tác truyền thông giáo dực sức khỏe cho học sinh. Đặc biệt, đã triển khai tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức khám định kỳ 2 năm/lần cho học sinh. Nhờ vậy đã hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đông, đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập. Riêng năm 2020-2021, các trạm y tế phối hợp với các trường học đã khám cho khoảng 76% học sinh trong toàn thành phố.
Để Chương trình Y tế học đường đạt được kết quả tốt hơn nữa, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y tế học đường trong các trường học. Đồng thời, phối hợp thực thực hiện có hiệu quả các đợt khám sức khỏe định kỳ cho học sinh cũng như làm tốt phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong các nhà trường để tránh lây lan ra cộng đồng…