Là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng I, những năm qua, Bệnh viện C Thái Nguyên (Sở Y tế) đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, Bệnh viện đã thực hiện và làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong phẫu thuật tim mạch, qua đó, góp phần điều trị tim mạch hiệu quả cho người bệnh, đồng thời từng bước giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Trước đây, Bệnh viện chỉ khám và điều trị một số bệnh liên quan đến tim, mạch thông thường. Năm 2016, được sự hướng dẫn của các chuyên gia chuyên ngành Tim mạch Bệnh viện Tim Hà Nội, đến nay chúng tôi đã làm chủ nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch khó như chụp động mạch vành trên hệ thống máy DSA (máy chụp mạch số hóa xóa nền), đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, tạo nhịp tạm thời, điện tâm đồ gắng sức bằng thảm chạy… cho hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị. Đây đều là những kỹ thuật mà trước đây Bệnh viện chưa thực hiện được.
Được chứng kiến một ca phẫu thuật chuyển giao kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện C Thái Nguyên, chúng tôi thấy rõ sự nỗ lực của các y, bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Sơn, Khoa Nội - Tim mạch, người trực tiếp tham gia thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch cho biết: Lúc đầu, khi thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân, chúng tôi rất lo lắng. Nhưng sau khi hội chẩn và được các chuyên gia Bệnh viện Tim Hà Nội hướng dẫn tỷ mỉ cách đặt máy tạo nhịp, chỉ sau chưa đầy một giờ, ca phẫu thuật đã hoàn thành. Hiện, nhịp tim của bệnh nhân ổn định, huyết áp bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Thị Tây Thi, Trưởng Khoa Nội - Tim mạch thông tin: Khoa chúng tôi hiện có 7 bác sĩ và 22 điều dưỡng. Để làm chủ được những kỹ thuật can thiệp tim mạch khó, thời gian qua, chúng tôi đã cử các bác sĩ đi đào tạo, tập huấn chuyên ngành Tim mạch ở Bệnh viện Tim Hà Nội dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo, chuyên gia, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các y, bác sĩ. Sau khi được chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến khám, phẫu thuật tim, chúng tôi đã khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân.
Từ năm 2016 đến nay, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ các y, bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện C đã hoàn toàn làm chủ một số kỹ thuật khó trong can thiệp tim mạch. Đặc biệt, Bệnh viện là cơ sở y tế tuyến tỉnh duy nhất thực hiện được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da trên hệ thống máy DSA (Digital Subtraction Angiography). Kết quả, đã có 9 bệnh nhân chụp động mạch vành qua da trên hệ thống máy DSA; 2 bệnh nhân được can thiệp đặt stent; chụp cắt lớp động mạch vành hơn 100 ca; trên 20.000 lượt người mắc bệnh liên quan đến tim mạch được khám và điều trị… Được Dự án Norred (Dự án lớn của ngành Y tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm mục tiêu cải thiện việc tiếp cận của người bệnh tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu) hỗ trợ, Bệnh viện C đã được trang bị các thiết bị hiện đại để điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân tim mạch như: máy sốc tim, siêu âm tim giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch được chính xác hơn; máy điện tâm đồ có thảm gắng sức nhằm phát hiện nhịp tim bất thường cùng nhiều thiết bị khác trong hỗ trợ, điều trị tim mạch, góp phần giúp người dân được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh tại chỗ mà không phải đi xa.
Ông Lê Văn Quang cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cử các y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Tim Hà Nội nhằm nâng cao hơn nữa năng lực khám, chữa bệnh; triển khai thêm một số kỹ thuật như siêu âm tim qua đường thực quản, chẩn đoán trước sinh về tim bẩm sinh, khảo sát điện sinh lý trong buồng tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng RF, phẫu thuật tim hở… giúp người dân được khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến Trung ương.