Khoảng 10 năm trước, việc cung cấp dịch vụ dân số chưa được đa dạng. Tuy nhiên hiện nay, không chỉ tuyến tỉnh, tuyến huyện mà cả tuyến xã cũng đã có các dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Thời điểm này, 178 trạm y tế cấp xã trong tỉnh đều có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Có mặt tại Trạm y tế phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy nhiều phụ nữ mang thai đến đây khám định kỳ, tiêm vắc xin phòng uốn ván và lấy máu để xét nghiệm HIV/AIDS.
Chị Ngô Kiều Ánh, 24 tuổi, ở tổ 2, phường Đồng Bẩm nói: Tôi đang mang thai tháng thứ 6. Lần đầu mang thai nên tôi khá lo lắng. Khi đến đây, được các y, bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khỏe như vấn đề ăn uống, bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết; tiêm phòng; khám sàng lọc trước sinh… nên tôi đã yên tâm hơn nhiều.
Ngoài chăm sóc, tư vấn cho các bà mẹ mang thai, Trạm còn vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Chị Đinh Thị Sen, cán bộ phụ trách Trạm Y tế phường Đồng Bẩm cho biết: Hiện nay, việc đình sản nam không được nhiều người lựa chọn. Do đó, về nhóm đối tượng tuyên truyền thực hiện KHHGĐ, chúng tôi chủ yếu tập trung vào phụ nữ. Đặc biệt, những phụ nữ mang thai lần hai khi đến đây, chúng tôi vận động họ dừng lại ở hai con để nuôi dậy cho tốt.
Tương tự, tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), vai trò của Trạm Y tế trong việc cung cấp các dịch vụ dân số cơ bản cũng được phát huy. Ông Hoàng Trung Thông, Trạm Phó Trạm Y tế xã nói: Không chỉ tuyên truyền các chính sách về dân số, KHHGĐ qua các cụm loa truyền thanh, chúng tôi còn chỉ đạo đội ngũ y tế thôn bản tư vấn cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, thực hiện tốt KHHGĐ…
Có thể thấy, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cũng như những dịch vụ dân số thiết yếu, cơ bản ở các trạm y tế đã được thực hiện có hiệu quả.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ cho hay: Hiện nay, tuyến xã đã đảm bảo được tính sẵn có của dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu, cơ bản. Đặc biệt, gần 80% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ; chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 15,8 nghìn phụ nữ mang thai để sinh con. Theo đó, số người trong độ tuổi sinh đẻ cũng chiếm khá cao trong tổng số dân hiện có. Do đó, nhu cầu cung ứng các dịch vụ về chăm sóc SKSS, KHHGĐ rất lớn.
Thực tế này đồng nghĩa với việc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trạm y tế các xã, phường, thị trấn phải nỗ lực rất nhiều trong việc cung cấp các dịch vụ dân số, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo đó, với mong muốn các cơ sở y tế tuyến huyện cung cấp được các loại dịch vụ KHHGĐ; các cơ sở y tế tuyến xã cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cơ bản, thời gian tới, việc đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ theo hướng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng sẽ là sự lựa chọn của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh.
Đặc biệt là việc tiếp tục huy động các thành phần kinh tế tham gia tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện và dịch vụ tránh thai; mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên; mở rộng và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số. Đồng thời đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ; tăng nhanh số lượng phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội; triển khai, mở rộng tiếp thị xã hội, xã hội hóa về hàng hóa, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ…