Nằm trong “vùng xanh” nhưng Thái Nguyên vẫn đang là địa phương có nguy cơ cao với dịch bệnh khi đã có 27 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca được phát hiện trong cộng đồng. Bởi vậy, để ứng phó với dịch bệnh ở mọi cấp độ, cùng với việc chủ động về nguồn vật lực, trang thiết bị y tế…, tỉnh đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Trong công tác phòng, chống dịch, nguồn lực con người là yếu tố sống còn quyết định đến việc chúng ta có kiểm soát được tình hình dịch bệnh hay không. Do đó, ngành Y tế đã cụ thể hóa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh bằng những giải pháp cụ thể.
Có mặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, chúng tôi nhận thấy cơ sở khám, chữa bệnh này đã có sự chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng là bệnh viện được tỉnh lựa chọn là cơ sở y tế tuyến cuối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 (trong trường hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp).
Tuy nhiên, toàn bộ các y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện chỉ có thể đáp ứng yêu cầu điều trị các bệnh nhân mắc bệnh lao, các bệnh liên quan đến phổi, hoặc các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Toàn bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ được đào tạo chuyên ngành về hồi sức tích cực.
Do vậy, theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện thì việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu chống dịch là nhu cầu cấp thiết và đang được đơn vị triển khai.
Trên thực tế, không tính Bệnh viện Quân y 91, toàn tỉnh đang có gần 4.100 cán bộ y tế (cả công lập, ngoài công lập và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), trong đó có 49 bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành hồi sức tích cực.
Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, thời gian qua, Sở Y tế đã cử 11 kíp với 33 cán bộ y tế học tập về điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, nếu tính đến những phương án dịch bệnh có thể bùng phát ở cấp độ rộng thì số lượng nhân lực dự phòng đó vẫn chưa đủ.
Để kịp thời khắc phục những khó khăn này, từ đầu tháng 8, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải khẩn trương đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở; các đơn vị phải tập huấn cho ít nhất 70% cán bộ y tế thực hiện được các nội dung trên.
Cùng với đó, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch đào tạo cho khoảng 1.400 sinh viên và 100 cán bộ, giảng viên và một số cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19, hồi sức cấp cứu, sử dụng máy thở, lấy mẫu xét nghiệm, …. trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế đang được tập huấn, đào tạo tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh, Sở Y tế còn phối hợp với Đại học Y - Dược tổ chức đào tạo ngắn hạn về công tác cấp cứu, hồi sức, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho gần 1.000 cán bộ y tế (bao gồm cả trong cơ sở công lập và ngoài công lập) và sinh viên theo học ngành Y trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là yêu cầu cấp thiết của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên nói: Thời gian qua, chúng tôi cũng đã cử lực lượng tham gia các lớp tập huấn về hồi sức, cấp cứu, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở trong và ngoài tỉnh, nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch của tỉnh trong mọi tình huống.
Có thể thấy, với sự linh động, quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên vẫn luôn chủ động ứng phó với đại dịch ở cấp độ cao nhất thông qua việc chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; cơ sở vật chất… và đặc biệt là về nguồn lực con người.