Đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng

12:41, 08/09/2021

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis lây theo đường không khí. Đây là loại bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng.

Bởi vậy, để phòng, chống loại bệnh nguy hiểm này, thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đã khám bệnh và tư vấn cấp phát thuốc, điều trị cho người mắc lao khá hiệu quả.

Bác sĩ Lưu Văn Thuyên, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên) cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, việc điều trị cho bệnh nhân lao trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả khá cao. Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi, điều trị cho 174 bệnh nhân mắc lao. Do được các y, bác sĩ ở các trạm y tế tư vấn, hướng dẫn nên hằng tháng, các bệnh nhân lao đến lấy thuốc điều trị đều đặn. Đặc biệt, hầu hết các bệnh nhân đã ý thức được việc sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng nên tỷ lệ khỏi bệnh đạt khá cao. Năm 2020, số hoàn thành điều trị (không có bằng chứng vi khuẩn) có 45/51 ca.

Không chỉ riêng T.P Thái Nguyên, tại các địa bàn miền núi, vùng cao, hầu hết các bệnh nhân mắc lao cũng đã được điều trị thành công.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho hay: Năm 2020, Thái Nguyên đã phát hiện và thu nhận điều trị 958 bệnh nhân lao mọi thể, đạt trên 106% kế hoạch năm, số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học là 378 người đạt hơn 111% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mọi thể là trên 96% và tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân AFB dương tính là 90%.

Thực tế trên cho thấy, mặc dù nhiều tỉnh bạn đang gặp phải khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng tại nước ta giảm (theo thông tin từ Bộ Y tế, giảm so với năm trước 3%) nhưng tại Thái Nguyên, việc phát hiện và điều trị người mắc lao vẫn được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Nhận định về kết quả này, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nói: Hiện nay, mạng lưới phòng, chống bệnh lao được duy trì từ tỉnh, huyện đến xã. Qua đó đã giúp cho các hoạt động phòng, chống bệnh lao được triển khai đồng đều và có hiệu quả. Đặc biệt là khi hoạt động khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng được đẩy mạnh. Hoạt động điều trị lao tiềm ẩn được triển khai, tiếp tục duy trì các hoạt động về lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV...

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, sở dĩ công tác phát hiện và điều trị cho người mắc lao ở Thái Nguyên vẫn đạt kết quả khả quan còn do các cấp, ngành đã chung tay đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông, trong đó có lồng ghép với hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi áp dụng đa dạng các loại hình truyền thông như làm phóng sự phát trên đài phát thanh - truyền tỉnh; đăng tải các bài viết tuyên truyền về công tác này trên Báo Thái Nguyên in, Báo Thái Nguyên điện tử và các ấn phẩm báo chí khác; đăng tải trên trang Web của Sở Y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế; cấp phát tờ rơi tại hộ dân, các khu dân cư; treo băng zon…

Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, trong năm 2021 và những năm tiếp theo Thái Nguyên tiếp tục tăng cường quan tâm, ưu tiên cho công tác phòng, chống lao, từng bước làm giảm bệnh lao, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Bệnh lao không di truyền mà xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp là chủ yếu. Bệnh có thể phòng và chữa khỏi nếu phát hiện sớm và chữa đúng cách. Để phòng sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể, chúng ta cần đề phòng khi tiếp xúc với bệnh nhân lao; đề phòng sự xâm nhập của vi khuẩn ở ngoài xã hội. Cùng với đó là bảo vệ và tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống hợp lý. Đặc biệt, phải tiêm vắc-xin phòng bệnh.