Hiện, trên địa bàn tỉnh có 1 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 14 bệnh viện hạng III. Trong đó có 3 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh và 5 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Để nâng cao chất lượng khám bệnh cho cơ sở y tế tuyến dưới, thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao các kỹ thuật điều trị mới cho bệnh viện tuyến huyện. Qua đó giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên…
Một trong những bệnh viện tích cực hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới phải kể đến là Bệnh viện A Thái Nguyên. Năm 2020, Bệnh viện đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tập huấn quy chế truyền máu và lưu trữ máu cuống rốn cho 110 cán bộ của đơn vị và các bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, tổ chức 8 buổi sinh hoạt khoa học theo chuyên đề cho cán bộ y tế bệnh viện và 150 cán bộ các cơ sở y tế của các đơn vị tuyến huyện như BVĐK các huyện Đại Từ, Định Hóa; Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Đặc biệt, Bệnh viện đã hỗ trợ chuyên môn cho BVĐK Đồng Hỷ và Định Hóa triển khai thành công kỹ thuật chạy thận nhân tạo; hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến huyện khi điều trị ca bệnh khó, phức tạp.
Chỉ đạo tuyến là hoạt động hỗ trợ tuyến dưới của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên về chuyên môn, nghiệp vụ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là việc thực hiện các kỹ thuật y tế: Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn, hỗ trợ nhân lực. Thông qua hoạt động chỉ đạo tuyến, bệnh viện tuyến trên có điều kiện giúp đỡ tuyến dưới cả về phòng bệnh, chữa bệnh, tổ chức quản lý, chuyên môn kỹ thuật cả về lý thuyết và thực hành. |
Gần đây nhất, Bệnh viện đã hỗ trợ BVĐK Đại Từ triển khai kỹ thuật tán sỏi thận qua da cho bệnh nhân nam 71 tuổi ở xã Phục Linh. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nói: Hiện, phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi thận. Được chỉ định trong hầu hết các loại sỏi thận và sỏi niệu quản 1/3 trên. Với những ưu điểm vượt trội đó là tránh được vết mổ dài ít đau đớn cho bệnh nhân, tỷ lệ sạch sỏi cao đặc biệt là bảo tồn tối đa chức năng thận sau phẫu thuật nên phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ đã thay thế kỹ thuật mổ mở. Tại Bệnh viện A Thái Nguyên kỹ thuật “Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ” đã được thực hiện từ năm 2017 cho đến nay kỹ thuật này đã được áp dụng thực hiện thường quy. Đây là một kỹ thuật cao, tiên tiến mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh.
Không chỉ riêng Bệnh viện A Thái Nguyên, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh khác như Gang thép Thái Nguyên, C Thái Nguyên… cũng đã làm tốt công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn như đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ cấp cứu… cho các bệnh viện tuyến dưới.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nói: Là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế, công tác chỉ đạo tuyến đã đưa những dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, góp phần thực hiện công bằng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bệnh viện tuyến tỉnh với nhiệm vụ hỗ trợ triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại cho bệnh viện tuyến dưới đã góp phần giúp người bệnh, nhất là những trường hợp ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các dịch vụ y tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Y tế Thái Nguyên.
Bên cạnh sự hưởng lợi của người dân, trong quá trình thực hiện hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cầm tay chỉ việc hỗ trợ tuyến dưới, cán bộ tuyến trên được hoàn thiện nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, hiểu biết thêm về kiến thức xã hội, về môi trường làm việc của đồng nghiệp tuyến dưới, văn hóa địa phương, phong tục tập quán, hoàn cảnh sống của người dân...
Trên thực tế, cùng với việc chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân, việc kết nối, khám chữa bệnh từ xa cũng đang hỗ trợ cho tuyến dưới thực hiện được những ca bệnh khó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…