Gần đây, tại Hà Nội và TPHCM đã xuất hiện tình trạng người dân sau khi xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với COVID-19 đã tự di chuyển đến các bệnh viện (BV) mà không báo cho cơ quan y tế địa phương. Thực trạng này đang làm nhiều cơ sở điều trị trên địa bàn rơi vào tình trạng bị động, quá tải và gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Gây quá tải, tăng nguy cơ lây nhiễm
Ghi nhận tại khu vực sàng lọc, thu dung người bệnh COVID-19 của Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) dù là cuối giờ chiều nhưng khá đông người bệnh chờ tới lượt khám, xét nghiệm. Trong đó có nhiều trường hợp ở các quận nội thành sau khi tự test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã nhờ người thân hay thuê xe taxi chở tới BV để xin khám và làm xét nghiệm lại.
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.M. (65 tuổi, ở phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau khi ở khu dân cư có người mắc COVID-19, bà M. cùng với các con trong nhà đã mua bộ test nhanh về tự xét nghiệm và bà M. có kết quả dương tính. Mặc dù không có triệu chứng ho, sốt, nhưng vì lo ngại tuổi cao lại mắc COVID-19 nên bà M. đã bảo con trai đưa ngay vào BV điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Bộ phận phòng chống dịch COVID-19, BV Thanh Nhàn cho biết, gần đây mỗi ngày, BV phải tiếp nhận hơn 100 trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19 và hiện khu điều trị tầng 2 của BV đang quá tải khi có nhiều bệnh nhân nặng phải thở oxy. Tuy nhiên, đáng báo động khi có hàng chục trường hợp mỗi ngày tự đến BV khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính.
Còn tại TPHCM, để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh, các BV đã tổ chức khu vực riêng để phân luồng, khám sàng lọc; nhưng việc nhiều F0 tự ý tới BV khám đã ảnh hưởng đến công tác phân luồng người bệnh và gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Bởi trong thời gian chờ đợi tiếp nhận, làm xét nghiệm RT-PCR khó có thể tránh khỏi F0 tiếp xúc với các bệnh nhân khác trong BV làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ quận 8) đứng ngồi không yên khi kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 mà không liên hệ được với lực lượng chức năng nên anh đã nhờ một người bạn chở vào BV FV để cách ly điều trị. “Gia đình tôi có con nhỏ, bản thân tôi lại có bệnh nền, nếu điều trị ở nhà nhiều nguy cơ lây nhiễm sang vợ và con tôi. Để an toàn cho cả gia đình, tôi đã nhờ bạn đưa vào BV điều trị”, anh Nguyễn Văn Thành cho biết.
Qua tìm hiểu, việc nhiều người sau khi test nhanh phát hiện dương tính với COVID-19 tự tới BV là do lo ngại cho sức khỏe của bản thân, gia đình và sự phản ứng chậm chạp, chưa sâu sát của không ít trạm y tế phường, xã. Một số người dân đã phản ánh, sau khi trong nhà họ có người mắc COVID-19 qua test nhanh, có biểu hiện ho, sốt, họ đã điện thoại báo, đề nghị sự giúp đỡ của trạm y tế ở địa phương nhưng chờ đợi tới 2-3 ngày vẫn không được cấp phát thuốc điều trị hay có xe tới đưa đi BV…
Y tế cơ sở cần sâu sát hơn
Trước thực trạng trên, đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, thành phố đã phân các tầng điều trị F0 với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà; tầng 2 gồm 19 BV đa khoa cấp huyện; tầng 3 là các BV tuyến thành phố, hạng I và tuyến trung ương.
Ngoài ra, Hà Nội đã có hướng dẫn điều trị tại nhà cho F0 thể nhẹ và không triệu chứng đủ điều kiện. Với những trường hợp không có điều kiện điều trị tại nhà sẽ được xe chuyên dụng đưa vào các trạm y tế lưu động, BV dã chiến hoặc và cơ sở thu dung điều trị. Sở Y tế TP Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc COVID-19.
TPHCM cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Bên cạnh một số F0 tự ý nhập viện để điều trị, vẫn còn một số F0 từ chối khai báo, che giấu tình trạng bệnh của mình khiến công tác thống kê, lập danh sách điều trị gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), lý do nhiều người có tâm lý e ngại sợ bị bắt đi cách ly ảnh hưởng đến công việc, gia đình. Bên cạnh đó, có tình trạng F0 báo cho quận ngay sau khi có kết quả xét nghiệm test nhanh, liên hệ với trung tâm y tế quận lại được yêu cầu báo về phường, nhưng vài ngày vẫn chưa xử lý. Thậm chí, nhiều F0 vẫn ở nhà không nhận được tư vấn cần thiết.
“Người dân tự xét nghiệm ra kết quả dương tính phải ở yên tại nhà và gọi điện cho trạm y tế phường, xã. Trong 24 giờ, trạm y tế có nhiệm vụ tiếp cận với bệnh nhân để kiểm tra lại tình trạng. Nếu người dân là F0, trạm y tế sẽ đánh giá điều kiện khu vực để cách ly tại nhà, phát ngay gói thuốc theo quy định”, ông Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo.
Để ngăn ngừa việc người dân tự ý tới các cơ sở điều trị sau khi test nhanh phát hiện dương tính với COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có công văn khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, phối hợp tổ chức liên quan và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, website của sở y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân.
Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc tự ý di chuyển đến BV, nơi đông người.