1 tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ở mức 3 con số, có ngày lên tới 239 trường hợp. Để đáp ứng yêu cầu trong điều trị, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, hiện nay, tỉnh đã cho phép điều trị người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà và có hướng dẫn tạm thời việc quản lý, chăm sóc, điều trị ca bệnh.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin chống COVID-19 của Thái Nguyên đạt khá cao, gần 98% nên chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hoặc không triệu trứng tại nhà, nơi lưu trú.
Tuy nhiên, để được điều trị tại nhà, các F0 cần đảm bảo nhiều điều kiện như: Nhà ở phải riêng lẻ hoặc là căn hộ trong khu tập thể, chung cư; có thể tự chăm sóc bản thân từ ăn uống đến tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…; có khả năng và sẵn có phương tiện liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn điều trị khi cần thiết...
Theo đó, để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, quy trình theo dõi, điều trị, chăm sóc các F0 tại nhà phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu. Ông Đỗ Trọng Vũ cho biết thêm: Có 7 bước cần thực hiện khi điều trị F0 tại nhà. Trong đó, hệ thống y tế cơ sở và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, tổ COVID-19 cộng đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Bước đầu tiên của quy trình theo dõi, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà là lập danh sách F0 trên địa bàn (sau khi nhận được thông tin về các ca bệnh). Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm cho phần việc này. Đồng thời tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo cấp xã tổ chức, đánh giá, thẩm định và tiến hành quản lý, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà nếu đủ điều kiện; giao cho trạm y tế xã hoặc tham mưu kích hoạt trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều trị F0 tại nhà (tùy theo tình hình dịch bệnh).
Tiếp đó là việc đánh giá, thẩm định điều kiện, báo cáo, chuẩn bị các điều kiện, quyết định cách ly, điều trị F0 tại nhà; lập danh sách quản lý bệnh nhân tại nhà theo mẫu đã hướng dẫn; lập hồ sơ điều trị và thực hiện, quản lý, điều trị F0 tại nhà, trong đó yêu cầu người mắc COVID-19 và người ở cùng nhà phải thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, khai báo và sử dụng ứng dụng quản lý F0 tại nhà; thông báo tình hình tự theo dõi sức khỏe cho nhân viên y tế phụ trách theo hướng dẫn…
Đặc biệt, ở bước thứ 6 - theo dõi, giám sát, quản lý và điều trị F0 tại nhà, UBND cấp xã thành lập tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng; chỉ đạo tổ thực hiện giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của F0 và người nhà trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà.
Trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động tổ chức theo dõi tình hình sức khỏe, chỉ định điều trị, chỉ định xét nghiệm. Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, tổ COVID-19 cộng đồng giúp gia đình bệnh nhân mua các phương tiện phòng hộ: Khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chắn giọt bắn... (đối với gia đình có người chăm sóc cách ly cùng F0). Đồng thời hỗ trợ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người bệnh và người ở cùng; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với người làm nhiệm vụ.
Bệnh nhân khỏi bệnh (xác định thông qua xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR) thì được kết thúc cách ly, quản lý và điều trị F0 tại nhà. Trường hợp bệnh nhân trở nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên (tùy vào trình trạng bệnh).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay trong ngày 11-1 đã có trên 300 trường hợp F0 được điều trị tại nhà. Ông Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho rằng: Việc điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú sẽ giảm tại cho các bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn, tiết kiệm được đáng kể nguồn nhân lực cũng như cơ sở vất chất…
Ngoài ra, việc điều trị F0 tại nhà còn giúp nâng cao nhận thức, thái độ và trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống dịch COVID-19.