Thời gian qua, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh nói chung, ở thành phố Thái Nguyên nói riêng diễn biến phức tạp. Tại nhiều xã, phường của thành phố đã xuất hiện các ca mắc COVID-19 không rõ nguồn lây. Bởi vậy, việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tiểu đường - nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 được Trung tâm Y tế thành phố đặc biệt quan tâm.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân tiểu đường thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc COVD-19 nên việc kiểm soát lượng đường trong máu cho có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Hiện, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đang quản lý, theo dõi, điều trị ngoại trú cho trên 1.580 bệnh nhân tiểu đường. Trước đây, mỗi tháng, người bệnh sẽ đến Trung tâm để khám, làm xét nghiệm đường huyết và lấy thuốc điều trị 1 lần. Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các bệnh nhân đều được chỉ định 2 tháng đến khám và lấy thuốc điều trị 1 lần. Chỉ những bệnh nhân có chỉ số đường máu quá cao, thất thường mới duy trì lịch khám 1 tháng/lần.
Có thể thấy, để phù hợp với tình hình thực tế của dịch COVID-19, thời gian qua, Trung tâm Y tế thành phố đã có sự thích ứng linh hoạt bằng cách tăng thời gian giữa 2 lần khám cho người bệnh tiểu đường.
Chị Đặng Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Khám bệnh nói: Bộ Y tế cho phép điều chỉnh thời gian giữa hai lần khám cho bệnh nhân điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính từ 1 tháng lên 3 tháng. Tuy nhiên, chúng tôi lựa chọn 2 tháng để vừa đảm bảo việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, vừa đảm bảo tính hiệu quả trong điều trị bệnh nhân.
Việc điều chỉnh thời gian giữa hai lần khám của Trung tâm được các bệnh nhân đồng tình. Ông Nguyễn Văn Thơm, ở phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) - bệnh nhân tiểu đường đang được Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên quản lý, điều trị, cho biết: Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh như hiện nay, Trung tâm tạo điều kiện cho người bệnh đến khám, lấy thuốc 2 tháng/lần là rất phù hợp. Chúng tôi ít phải đi lại nhiều lần hoặc đến chỗ đông người, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ thấp hơn rất nhiều.
Quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân tiểu đường ngoại trú đã được Trung tâm Y tế thành phố thực hiện hàng chục năm nay. Trước đây, tất cả các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính này đều có sổ theo dõi và đến khám, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Việc quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân tiểu đường được chuyển về cho các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện (trong đó có Trung tâm Y tế thành phố), đã giúp giảm tải cho y tế tuyến trên cũng như tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi cho bệnh nhân. Nhờ đó, thủ tục khám, cấp thuốc cho các bệnh nhân tại Trung tâm được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc hẹn bệnh nhân tái khám được thực hiện giãn cách, không để bệnh nhân đến cùng một lúc, tránh tụ tập đông người.
Theo các bác sĩ của Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên, thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là khi Việt Nam đã xuất hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron, có tốc độ lây lan cao. Bởi vậy, ngoài thời gian đi khám, lấy thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh theo định kỳ, người bị tiểu đường nên hạn chế tối đa việc ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người.
Bác sĩ Thủy khuyến cáo: Những người có bệnh nền (tiểu đường, cao huyết áp)… cần phải tiêm vắc- xin phòng COVID-19 đầy đủ; có ý thức phòng dịch bằng cách thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế khi đi ra ngoài hoặc đến những nơi công cộng. Đồng thời giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bản thân thật tốt.
Theo đó, bệnh nhân tiểu đường cần duy trì thực đơn ăn uống lành mạnh. Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm thì việc sáng tạo hình thức chế biến các món ăn cũng cần được chú ý. Thay vì nấu theo cách thông thường, người mắc tiểu đường nên ăn các món nướng, hấp, làm súp...
Đối với người tiểu đường, tập thể dục là điều bắt buộc để quản lý lượng đường trong máu và giảm căng thẳng. Cùng với đó là duy trì chất lượng giấc ngủ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Ngoài ra, ngủ ngon cũng giúp tinh thần phấn chấn, hạn chế cảm giác stress, chán nản.