Thuận tiện nhờ “quét để thanh toán”

07:20, 21/01/2022

Qua hơn 9 tháng triển khai thí điểm việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thu hút trên 1.400 lượt người đến khám, chữa bệnh khám chữa bệnh sử dụng phương thức thanh toán an toàn, chính xác này. Theo đánh giá của phía Bệnh viện, giải pháp này giúp giảm tải tại khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, giảm phiền hà, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Khác với những lần đi khám, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trước đây, lần này, anh Phạm Ngọc Tiệp, trú tại tổ 10, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) chọn hình thức thanh toán chi phí khám bệnh qua ứng dụng mobile banking thay vì dùng tiền mặt. Chỉ mất khoảng 2 phút từ khi nhận mã QR, anh Tiệp đã hoàn tất thủ tục thanh toán và được nhân viên thu ngân của bệnh viện xác nhận. Anh Tiệp chia sẻ: Tôi chọn thanh toán qua ứng dụng ngân hàng để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro khi mang theo tiền mặt.

Đánh giá cao lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã hợp tác với Agribank chi nhánh Thái Nguyên kết nối ứng dụng, đồng bộ dữ liệu thanh toán trực tuyến với hệ thống bệnh án điện tử của đơn vị để triển khai thí điểm giải pháp này tại Khoa Khám chữa bệnh tự nguyện, từ tháng 4-2021. Và đến tháng 8-2021, Bệnh viện tiếp tục hợp tác với Vietcombank chi nhánh Thái Nguyên triển khai phương pháp thanh toán này tại Khoa Sản chất lượng cao. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Với sự kết nối từ hệ thống điện tử giữa ngân hàng và bệnh viện, mã QR sẽ được tạo ra và in ngay trên hóa đơn viện phí của từng khách hàng. Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng mobile banking và thực hiện quét mã trên hóa đơn để hoàn thành việc thanh toán. Khi thanh toán thành công, thông tin sẽ được cập nhật vào hệ thống theo dõi của bệnh viện để xác nhận thanh toán cho bệnh nhân trong hồ sơ điện tử.

Về phía ngân hàng, ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Thái Nguyên thông tin: Với giải pháp kết nối thanh toán trực tuyến, bệnh viện không cần bố trí thêm nhân lực, trong khi khách hàng chỉ cần có tài khoản mobile banking của bất cứ ngân hàng nào cũng có thể thanh toán bằng hình thức này. Đối với ngân hàng, chúng tôi không chỉ bảo đảm tiện ích, thời gian giao dịch nhanh chóng mà còn bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho cả bệnh nhân và bệnh viện.

Qua hơn 9 tháng triển khai thí điểm tại 2 khoa của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đã có trên 1.400 lượt bệnh nhân chọn hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. So với tổng số hơn 392.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện trong năm 2021, số bệnh nhân lực chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của phía Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đây là bước khởi đầu tốt và đem lại ý nghĩa thiết thực cho cả bệnh viện và người dân.

Thầy thuốc Ưu tú, PGS, TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khẳng định: Việc thanh toán không dùng tiền mặt góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số của bệnh viện. Đồng thời, đem lại lợi ích thiết thực giúp cho người bệnh giảm thiểu được thời gian xếp hàng đợi thanh toán, giảm nguy cơ rủi ro khi giao dịch tiền mặt. Với bệnh viện, hình thức này giúp chúng tôi giảm chi phí, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh và đặc biệt là nâng cao hiệu quả quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, từ đó góp phần nâng cao chất lượng y tế.

Tuy nhiên, theo Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Công Hoàng, để triển khai hiệu quả việc thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện, ngoài sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị, còn cần có phương thức thanh toán phù hợp với từng nhóm bệnh nhân, quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen dùng tiền mặt của đại đa số người dân. Thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ tăng cường tuyên truyền để bệnh nhân hiểu được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tiếp tục mở rộng hình thức thanh toán này ra các khoa, phòng khác của đơn vị.