Khi F0 giấu bệnh

09:05, 25/02/2022

Những ngày gần đây xuất hiện tình trạng một số người dân trong tỉnh tự test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo với cơ quan y tế mà tự điều trị tại nhà.  Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát dịch.

Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, chúng tôi mới có thể tiếp cận và trò chuyện với anh Nguyễn Văn T., trú tại phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Ngày 19-2, anh T. tự test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng anh không khai báo với cơ quan y tế mà tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Nói về lý do, anh T. cho biết: Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin nên khi mắc COVID-19 hầu như không có triệu chứng. Quanh khu vực gia đình tôi sinh sống, nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh sau 5-7 ngày tự điều trị nên tôi không khai báo với cơ quan y tế. Tôi thấy việc khai báo với cơ quan y tế khá phiền phức.

Tương tự, chị Nguyễn Hương Q., phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), cũng không khai báo với cơ quan y tế sau khi tự test nhanh dương tính với COVID-19. Chị Q. nói: Mấy ngày trước, em gái tôi bị nhiễm COVID-19 đã đến Trạm Y tế phường để khai báo. Sau khi được hướng dẫn viết bản cam kết cách ly y tế tại nhà, cán bộ y tế phường cấp phát cho em gái tôi duy nhất 1 vỉ thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg. Thấy việc khai báo không được lợi ích gì nên tôi quyết định tự lên mạng mua thuốc về điều trị.

Qua trao đổi với một số trường hợp F0 đang thực hiện cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà nhưng không khai báo với cơ quan y tế, chúng tôi thấy, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan cho rằng khi đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ thì chỉ cần tự điều trị vài ngày là sẽ khỏi.

Một số trường hợp thì e ngại việc khai báo gây phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc… Mặt khác, theo phản ánh của người dân, hiện nay tại một số địa phương, công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà chưa được thực hiện tốt.

Người dân đến khai báo y tế tại Trạm y tế phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên).

Bác sĩ Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên, cho biết: Những ngày gần đây, số lượng người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố liên tục tăng, trong khi lực lượng y tế cơ sở mỏng, nên chúng tôi thường xuyên bị quá tải. Điều này dẫn đến công tác quản lý, theo dõi, tư vấn, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà ở một số nơi chưa được thực hiện tốt. Chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và hợp tác từ phía người dân để cùng chung tay nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ Phan Bích Hòa cũng cho biết thêm: Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức đúng về các quy định trong cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà. Không phải trường hợp F0 nào cũng phải sử dụng thuốc điều trị. Đối với những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần thường xuyên tự theo dõi sức khỏe, tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin để nâng cao sức đề kháng. Thực tế cho thấy phần lớn các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã khỏi bệnh chỉ sau 7-10 ngày mà không cần sử dụng thuốc, tuy nhiên, mọi người không nên vì thế mà chủ quan. Khi tự xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người dân phải khai báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn, chăm sóc, điều trị kịp thời.

Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế khẳng định: Các trường hợp F0 giấu bệnh không khai báo với cơ quan y tế là vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm dịch lây lan trong cộng đồng.

Việc F0 không khai báo không chỉ khiến cho công tác quản lý, giám sát các ca bệnh trong cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh mà còn khiến cho chính người bệnh gặp nguy hiểm khi không được hỗ trợ y tế kịp thời. Chưa kể việc người dân tự mua thuốc điều trị COVID-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng thuốc hoặc mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Các cơ quan chức năng cảnh báo: Hệ lụy nữa với chính các F0 không khai báo là chính quyền địa phương không có đủ căn cứ để xác nhận cho họ được hưởng các chính sách hỗ trợ từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang làm việc, hoặc hưởng chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định.

Theo Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi che giấu bệnh truyền nhiễm bị xử phạt vi phạm hành chính đến 1.000.000 đồng.

Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Hành vi che giấu, không khai báo làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm (trong đó có dịch COVID-19) cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Người vi phạm có thể bị xử phạt cao nhất đến 12 năm và bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.