Đề xuất F0, F1 đi làm: Vắc xin “ý thức” vẫn luôn quan trọng

07:54, 20/03/2022

Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly, tự nguyện tham gia làm việc thì các cơ quan, địa phương có thể xem xét bố trí làm công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Những người là F1 nhưng chưa tiêm hoặc chưa được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Mới đây, Long An là tỉnh đầu tiên trong cả nước hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Việc này phải trên cơ sở tinh thần tự nguyên của F0 và có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, F0, F1 đi làm cũng trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của trung tâm y tế cấp huyện hoặc trạm y tế cấp xã.

Việc số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước liên tục tăng và duy trì cao thời gian qua đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới, tuy nhiên, con số này có lẽ chưa phản ánh đúng thực thế. Tại một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có trường hợp người lao động không khai báo hoặc biết bản thân mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn “âm thầm” đến nhà máy làm việc.

Chủ doanh nghiệp cũng khó kiểm soát dịch mà chủ yếu dựa trên sự chủ động khai báo của người lao động. Nhiều cơ sở thậm chí đã bỏ quy định F1 phải cách ly 5 ngày mới được đi làm, thay vào đó là bố trí khu vực làm việc ở phân xưởng riêng.

Dịch COVID-19 đã xuất hiện ở Việt Nam được hơn 2 năm, với diễn biến bệnh có rất nhiều thay đổi so với thời điểm khởi đầu. Quan điểm coi COVID-19 như các bệnh thông thường khác cũng đang được xem xét, cân nhắc. Do vậy, việc thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận với dịch cũng cần thay đổi cho phù hợp.

Với nền tảng là tỷ lệ bao phủ vắc xin trong nước ở mức cao và những kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, chúng ta có sở để điều chỉnh các quy định một cách linh hoạt, hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Điều quan trọng nhất vẫn là vắc xin “ý thức” của mỗi người, chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân và tránh lây lan COVID-19 cho cộng đồng.