Để hỗ trợ điều trị triệu chứng cảm cúm, mệt mỏi khi nhiễm COVID-19, người bệnh chỉ nên xông hơi 1 lần/ngày và bảo đảm nhiệt độ để không bị bỏng. Không nên xông 4-5 lần/ngày... Việc lạm dụng xông quá nhiều lần trong ngày khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Câu hỏi: Tôi bị ngạt mũi, đau họng, cơ thể nhức mỏi khi nhiễm COVID-19. Tôi cần lưu ý điều gì nếu xông hơi giải cảm mỗi ngày?
Trả lời:
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:
Hiện nay, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.
Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng và là một phương pháp thư giãn nhưng không phải là phương pháp điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, việc lạm dụng xông quá nhiều lần trong ngày khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày.
Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B.
Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, Phòng khám Gia đình T.P Hồ Chí Minh:
Về tác dụng của xông hơi, thứ nhất tinh dầu sẽ làm co mạch ở mũi, miệng, họng do vậy chúng ta sẽ cảm thấy dễ thở. Điều thứ hai của xông hơi khi chùm toàn bộ người là giãn mạch tưới máu nhiều hơn giúp cơ thể dễ chịu hơn, đó chỉ là cảm giác.
Xông hơi nếu người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn thì có thể làm. Tuy nhiên, tinh dầu không làm chết được virus. Khi virus xâm nhập vào niêm mạc sẽ vào trong tế bào. Nếu virus bị chết thì có nghĩa là cũng phải diệt tế bào, gây bỏng niêm mạc đường hô hấp. Việc xông có thể kích ứng vùng niêm mạc gây viêm nhiều hơn.
Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định xông hơi có thể diệt được virus. Nếu thực sự muốn xông hơi chỉ nên làm 1 lần/ngày và bảo đảm nhiệt độ để không bị bỏng. Không nên xông 4-5 lần/ngày... rất sai lầm và nguy hiểm.