Sau một tuần triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã khá yên tâm khi các điểm tiêm đều diễn ra an toàn, hiệu quả. Đến thời điểm này, TP. Thái Nguyên đã tiêm được khoảng 5.000 liều vắc-xin cho trẻ.
Chị Nguyễn Thị Oanh, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), cho hay: Khi có thông tin Thái Nguyên triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì các con đã được tiếp cận với vắc-xin để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp các con phòng bệnh tốt hơn. Lo vì các con còn nhỏ, có thể xảy ra phản ứng nguy hiểm sau tiêm. Tuy nhiên, sau khi tiêm, ngoại trừ đau tại chỗ tiêm, các con vẫn ăn ngủ tốt… nên vợ chồng tôi rất yên tâm.
Không chỉ các bậc phụ huynh, nhiều trẻ được tiêm vắc-xin lần này cũng khá lo lắng. Em Nguyễn Việt Khánh, học sinh lớp 6, Trường THCS Chu Văn An (TP. Thái Nguyên), nói: Lúc chưa tiêm cháu sợ bị đau. Nhưng khi tiêm, cháu chưa có cảm giác gì thì đã tiêm xong rồi. Sau khi tiêm, cháu không thấy mệt và vẫn đến lớp bình thường. Hầu hết các bạn cùng khối lớp 6 với cháu đều khỏe mạnh sau khi tiêm. Một số ít các bạn có sốt nhẹ nhưng đã hết ngay ngày hôm sau.
Những chia sẻ các các bậc phụ huynh và học sinh cho thấy, khởi đầu cho đợt tiêm chủng vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi lần này ở TP. Thái Nguyên đã có những kết quả rất tốt đẹp. Đây cũng là địa phương “mở màn” cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của tỉnh.
Theo ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: Để các buổi tiêm diễn ra an toàn, hiệu quả, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Đặc biệt là lưu tâm đến công tác bảo quản vắc-xin cũng như chuẩn bị đầy đủ xe tiêm, bơm tiêm, vật tư, test, trang thiết bị khác... cần thiết phục vụ cho các điểm tiêm.
Tại Nhà đa năng, Trung tâm đã bố trí 2 bàn tiêm và khoảng 20 cán bộ phục vụ cho công tác tiêm phòng. Ngoài ra, Trung tâm còn cử cán bộ của các trạm y tế tham gia các cụm tiêm chủng (điểm tiêm lưu động) trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, giường bệnh, thuốc và thiết bị y tế cần thiết phục vụ xử trí sốc phản vệ, cấp cứu (bình ôxy, máy SpO2 cầm tay, bộ đặt nội khí quản và các thuốc (adrenalin)...) và sử dụng cho các tình huống người tiêm phải nằm nghỉ khi cần thiết tại các cụm tiêm chủng trên địa bàn; phân công thành viên phụ trách kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng...
Đặc biệt, Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổng hợp danh sách các đối tượng tiêm chủng, danh sách đối tượng đồng ý và không đồng ý tiêm chủng; danh sách đối tượng phải tiêm ở cơ sở y tế tuyến trên (do có bệnh nền và tiền sử dị ứng thuốc kháng sinh...). Nhờ vậy đã rà soát đầy đủ các trường hợp trong độ tuổi tiêm phòng; những trường hợp đủ điều kiện tiêm hoặc chưa đủ điều kiện tiêm do mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng trở lại đây; những trường hợp được người giám hộ đồng ý tiêm vắc-xin... Do đó không để xảy ra nhầm lẫn (1 trẻ tiêm hai lần, không đúng liều...) trong quá trình tiêm chủng.
Hiện nay, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP. Thái Nguyên mới ở giai đoạn đầu. Vì vậy, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại, chưa chủ động đưa trẻ đi tiêm hoặc chưa đồng ý cho trẻ tiêm vắc-xin. Bởi lẽ đó, trong thời gian tới, lực lương y tế, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các trường học đẩy mạnh công tác truyền thông về sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng. Cùng với đó sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí truyền thông, cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc-xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc-xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc-xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch tiêm...
Toàn tỉnh có gần 167 nghìn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó T.P Thái Nguyên chiếm khoảng 10% số trẻ. |