Dịch bệnh “thoái trào”, người dân mất cảnh giác

08:28, 11/04/2022

Hơn 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh giảm nhanh. Đến nay, số ca mắc trong ngày đã dừng ở 3 con số, trong khi trước đó, đã có ngày số ca mắc mới ở Thái Nguyên cao thứ 2 cả nước. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch của các cấp, ngành chức năng và của cả người dân. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang trên đường “thoái trào” thì không ít người dân lại nảy sinh tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác.

Từ ngày 1-4, 3 bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh bắt đầu thực hiện các thủ tục cần thiết để chính thức giải thể vào ngày 15-4 do số F0 phải điều trị tại các bệnh viện giảm mạnh. Thực tế này cho thấy số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã đạt đỉnh và đang trên đà đi xuống đúng như nhận định của các chuyên gia y tế.

Những ngày đầu tháng 4, cuộc sống của người dân Thái Nguyên đã quay trở lại với nhịp sống thường nhật khi các hàng quán, khu vui chơi được mở cửa trở lại… Đây sẽ là thời điểm kinh tế Thái Nguyên hồi phục tích cực sau những ngày bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh “thoái trào” đúng vào thời điểm được nghỉ Lễ 10-3 (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương) nên không ít người dân có xu hướng “xả hơi” sau những ngày phải “giữ mình” để tránh dịch.

Dạo quanh khu vực đường Phan Bội Châu, đường Bắc Sơn – nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn của T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy rất nhiều hội, nhóm “kéo” nhau đến đây ăn uống. Chị Lê Thanh Huyền, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), nói: Phải giam mình trong nhà lâu rồi nên khi các cơ sở vui chơi, ăn uống mở cửa trở lại, ai cũng có tư tưởng phải “bung lụa”. Khi đi ăn uống cùng bạn bè, tôi còn có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, chứ một số người (kể cả đã hoặc chưa mắc COVID-19) không đeo khẩu trang vì họ cho rằng “con” vi rút đã yếu đi rồi, không có khả năng gây hại cho sức khỏe con người…

Đặc biệt, trong những ngày nghỉ vừa qua, nhiều người dân Thái Nguyên đã tranh thủ đi lễ Đền Hùng tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Hàng vạn người dân trong cả nước cũng nô nức về đây trẩy hội. Do đó, điểm tập trung đông người này đang tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất lớn. Nếu những người dân Thái Nguyên tham gia lễ hội tại Đền Hùng không thực hiện tốt việc phòng dịch thì có thể nhiễm SARS-CoV-2 và trở thành nguồn lây lan trong cộng đồng.

Theo chia sẻ của bác sĩ CKII Lê Hùng Vương (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), chuyên gia về điều trị COVID-19 tại Việt Nam: Từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều làn sóng của dịch. Theo đó, nhiều biến thể mới đã làm dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng. Bởi vậy, nếu không dùy trì các biện pháp phòng dịch, chúng ta có thể sớm phải đối mặt với làn sóng dịch mới với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Chỉ hơn 2 tuần nữa, cùng với cả nước, người dân Thái Nguyên tiếp tục được nghỉ dài ngày nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5). Vì vậy, để dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát và tránh nguy cơ đối mặt với làn sóng mới của dịch thì mỗi người vẫn rất cần nâng cao ý thức phòng dịch. Trong đó, yêu cầu bắt buộc vẫn là đeo khẩu trang thường xuyên khi đến nơi đông người; không nên tập trung; sử dụng nước sát khuẩn thường xuyên …

Ngoài ra, những người đã mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn cần tiêm vắc xin. Những người chưa tiêm thì cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm phòng theo quy định. Những trường hợp đã tiêm 1 mũi hoặc đủ liều cơ bàn (2 mũi) thì cần nhanh chóng tiêm mũi 2 hoặc mũi 3 theo quy định.

Bác sĩ Lê Hùng Vương cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm vắc xin ngay khi Thái Nguyên triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em ở lứa tuổi này. Khi độ phủ vắc xin tăng cao, Thái Nguyên sẽ đạt miễn dịch cộng đồng và đẩy lùi được dịch bệnh…