Đến nay, hơn 300 nghìn người dân Thái Nguyên đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên, trong số này có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng như ho, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài…. Bởi vậy, nhu cầu khám, điều trị hậu COVID-19 của người dân không hề nhỏ. Đây chính là cơ hội để một số cơ sở y tế lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, tư vấn thuốc điều trị không cần thiết, gây tốn kém cho người dân.
Khảo sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập như: Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, Bệnh viện C Thái Nguyên…, chúng tôi nhận thấy các y, bác sĩ đã tuyên truyền giải thích rất kỹ cho những trường hợp có nhu cầu khám, điều trị hậu COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Hảo, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), cho biết: Khi đến Bệnh viện A Thái Nguyên khám hậu COVID-19, các bác sĩ khuyên tôi không nên lo lắng với các triệu chứng như ho, mất ngủ… Sau đó, họ khuyên tôi về nhà tiếp tục tự theo dõi sức khỏe của mình. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, các bác sĩ mới cho lấy mẫu xét nghiệm, chụp XQ tim phổi…
Tại các bệnh viện tuyến huyện, quá trình tư vấn cho những trường hợp đến khám hậu COVID-19 cũng được thực hiện theo hướng giảm chi phí cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình nói: Mắc COVID-19, người dân bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, công việc. Nhiều người (lao động chân tay) phải nghỉ cả chục ngày ở nhà nên không có thu nhập. Bởi vậy, lực lượng y tế cần có sự chia sẻ, không nên lạm dụng người dân để thu lợi từ những dịch vụ khám bệnh hậu COVID-19.
Trên thực tế, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế như: Khám, chữa bệnh cho người mắc và sau mắc COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ. Đáng nói, việc khám chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19 chỉ thực hiện khi người dân có các dấu hiệu của bệnh. Hầu hết các cơ sở khám bệnh không xuất hiện tình trạnh lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết đối với những trường hợp đến khám hậu COVID-19.
Trong khi ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh quảng cáo hoạt động khám, điều trị hậu COVID-19 khá rầm rộ thì tại Thái Nguyên không xuất hiện tình trạng này.
Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) nhận định: Quảng cáo về gói dịch vụ khám, điều trị hậu COVID-19 quá đà sẽ gây nhiễu loạn thông tin, làm người dân hoang mang. Trên thực tế, người dân chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi sau 2 đến 4 tuần vẫn thấy các triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn… kéo dài. Nếu không xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì nên tự chăm sóc sức khỏe tại nhà bằng cách bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng… Để ngăn chặn tình trạng quảng cáo quá đà về các gói dịch vụ khám, điều trị hậu COVID-19, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, khoa, phòng chuyên môn. Từ đó, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở khám, chữa bệnh không tuân thủ quy định của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã có công văn về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19. Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám, chữa COVID-19 và hậu COVID-19 phải tuân thủ các quy định như xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Đây chính là căn cứ để chúng tôi thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những cơ sở lạm dụng dịch vụ, thuốc điều trị hậu COVID-19, gậy tốn kém cho người dân.
Ngành Y tế Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19; thời điểm người dân cần đi khám chữa bệnh và thực hiện khám chữa bệnh phù hợp, tránh hoang mang, lo lắng…