Những vi phạm pháp luật của một số lãnh đạo, cán bộ ngành y gần đây là mang tính cá nhân. Đây là điều rất đáng tiếc, nhưng không phải là tất cả vì các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế… vẫn đang ngày đêm phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân. Trong gần 3 năm chống dịch vừa rồi, họ là lực lượng hy sinh nhiều nhất vì sức khỏe của cộng đồng.
Đây là những chia sẻ của TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, mới đây một số lãnh đạo và cán bộ ngành y vướng vào vấn đề pháp lý, nhiều trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương có liên quan đến vấn đề kit test với công ty Việt Á. Đây là những tổn thất lớn của ngành y tế và đất nước, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác của ngành y tế nói chung và các trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương nói riêng.
"Tuy nhiên, pháp luật của chúng ta rất công minh và bảo đảm công bằng. Những vấn đề vi phạm pháp luật này là mang tính cá nhân, có trách nhiệm pháp lý cụ thể, rõ ràng, cá thể hóa trách nhiệm đối với mỗi cá nhân và một số tập thể. Đây là điều rất đáng tiếc nhưng phải khẳng định, đó không phải là tất cả", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quốc hội này bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ đối với các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, công nhân, viên chức ngành y tế..., đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, họ đang phải ngày đêm ‘xoay như chong chóng’ để chăm sóc, điều trị sức khỏe cho người dân, khi nhu cầu khám chữa bệnh đang tăng đột biến do thời gian dài vì dịch bệnh mà người dân không thể đi khám chữa bệnh.
Trong thời gian gần 3 năm chống dịch COVID-19 vừa rồi, họ cũng chính là lực lượng chủ chốt đã hy sinh nhiều nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Vì vậy, "chúng ta cần phải hết sức công bằng trong việc đánh giá đối với lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên chức… của ngành y tế. Rõ ràng người vi phạm thì sẽ bị xử phạt nhưng không vì thế mà chúng ta 'vơ đũa cả nắm', đánh đồng tất cả các cán bộ nhân viên trong ngành".
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nếu bất kỳ ai trong xã hội vẫn còn suy nghĩ đánh đồng một số vi phạm cá nhân đối với cả ngành y, đặc biệt là đối với các bác sĩ, điều dưỡng… thì chúng ta đang thiếu công bằng. Thậm chí, trong trường hợp nếu có hành vi vi phạm nhân phẩm, danh dự của cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành y tế nói chung, các cơ quan thẩm quyền cần vào cuộc xem xét để xử lý trách nhiệm đối với cá nhân đó.
"Tôi rất mong muốn các bác sĩ, cán bộ y tế, nhân viên điều dưỡng… sẽ dành hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ đồng bào cả nước, đừng vì vi phạm của một số cá nhân mà ảnh hưởng đến quá trình công tác", ông Nhưỡng chia sẻ.
Giải pháp nào đối với ngành y trong hoàn cảnh hiện nay?
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề đầu tiên, các cơ quan Trung ương, trước tiên là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương cần động viên cán bộ, công nhân viên chức của ngành y, nhằm ổn định tâm lý, công việc để thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch của ngành y nói chung cũng như của các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng.
Thứ hai, chúng ta cần khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy. Trước hết là các vị trí quan trọng của Bộ Y tế và lãnh đạo của các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương.
Thứ ba, tất cả các hoạt động khám chữa bệnh cần diễn ra bình thường, công tác chống dịch tiếp tục được triển khai. Muốn vậy, chúng ta phải quan tâm, bảo đảm các điều kiện hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh cũng như điều kiện làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng…
Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, công nhân viên chức để thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra.