Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện khá nhiều trường hợp mắc cúm với các biểu hiện ho, sốt, ngạt mũi. Tuy nhiên, không ít người tự điều trị tại nhà vì cho rằng bệnh này không nghiêm trọng. Theo các bác sĩ, khi có biểu hiện của cúm, người dân không nên tự ý dùng thuốc và các phương pháp chữa bệnh "truyền tai" mà nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khoảng 2 tuần nay, mỗi ngày, Bệnh viện A Thái Nguyên ghi nhận khoảng 15 trường hợp đến khám bệnh cúm. Hầu hết các bệnh nhân đều ở thể nhẹ, có triệu chứng ho, sốt. Chỉ có 25% người bệnh được chỉ định phải nhập viện để điều trị nội trú. Đến thời điểm này, chưa có bệnh nhân nào trở nặng. Thông thường, các bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 5-7 ngày điều trị.
Tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh khác như Gang thép, C Thái Nguyên hay các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế cấp xã cũng ghi nhận một số trường hợp đến khám để được kê thuốc điều trị cúm (trong đó nhiều người lo ngại mắc COVID-19 nên đi khám). Dù vậy, vẫn còn khá nhiều trường hợp mắc cúm nhưng tự điều trị tại nhà.
Bà Lê Thị Dần, xã Phú Thịnh (Đại Từ), nói: Cảm cúm là bệnh dễ chữa. Nông dân chúng tôi không có điều kiện về tiền bạc nên tự điều trị tại nhà bằng cách xông lá là chủ yếu. Khi nào sốt cao quá thì dùng thuốc hạ sốt và uống thêm thuốc cảm. Hơn chục hôm trước tôi bị cúm nên ho, sốt, ngạt mũi nhưng sau 2 lần xông lá đã khỏi.
Từ thực tế có thể thấy, không ít người dân vẫn rất chủ quan khi mắc cúm. Theo chia sẻ của bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do vi rút cúm (Influenza). Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, người bị thiếu máu, mắc bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có 4 chủng vi rút cúm được ký hiệu là A, B, C, D, trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Cũng theo bác sĩ Thư, thông thường, các triệu chứng của bệnh cúm có thể xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh kéo dài, ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng tương đồng với nhau.
Cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm vi rút rất cao trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát thành đại dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn nên chủ động phòng tránh và ngăn chặn nguồn lây vi rút cúm cho người khác. Để chủ động phòng cúm, cơ quan y tế khuyến cao người dân cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên. Đặc biệt, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút mà phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, tiêm vắc-xin cúm mùa cũng là biện pháp hữu hiệu để tăng cường miễn dịch phòng, chống bệnh cúm. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin cúm mùa hàng năm với người từ 6 tháng tuổi trở lên.
Không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là Tamiflu Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Mùa cúm năm 2022 đến sớm hơn mọi năm, thậm chí trái mùa. Lượng bệnh nhân tăng nhanh, tuy nhiên người dân không nên tự mua thuốc điều trị như Tamiflu. Thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng. |