Thời gian qua, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt; số ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong giảm. Chính vì vậy đã xuất hiện tình trạng một bộ phận người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân...
Thực tế, trung bình mỗi ngày cả nước vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm COVID-19 và có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Đáng chú ý là biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2.
Theo các chuyên gia y tế, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam có thể tăng do xuất hiện các biến chủng mới. Riêng đối với Thái Nguyên, dù được đánh giá là địa phương có tình hình dịch COVID-19 ở mức độ 1 nhưng từ ngày 24/6 tới 01/7/2022, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận 89 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, vắc-xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính vì vậy, việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch và đặc biệt là đẩy mạnh tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết.
Ngày 5-7 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng có văn bản hướng dẫn; các địa phương tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3).
Cùng với tiếp tục tăng cường tiêm vắc-xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, vẫn phải tiếp tục thực hiện 3 trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị; có hướng dẫn cụ thể thực hiện công thức phòng, chống dịch mới gồm “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Mục tiêu xuyên suốt là phải coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, mỗi người được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất có thể, ngay từ cơ sở.