Hiện nay, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên đang theo dõi, quản lý, điều trị 115 bệnh nhân mắc lao. Luôn đồng hành với người bệnh, các y, bác sĩ, điều dưỡng không chỉ giúp người bệnh ổn định tinh thần mà còn tư vấn và hỗ trợ người bệnh sử dụng thuốc theo đúng phác đồ. Nhờ đó, hầu hết bệnh nhân mắc lao sau khi kết thúc liệu trình điều trị đều khỏi bệnh.
Bác sĩ Lương Thị Hoa, Khoa Kiểm soát, Nhiễm khuẩn và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên), tư vấn cho người dân cách phòng, chống bệnh lao. |
Bà Mai Thúy Nhung, 57 tuổi, ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nói: Khi thấy ho nhiều, tôi chỉ nghĩ mình bị viêm họng mãn. Tuy nhiên, thấy ho có đờm kéo dài, có sốt về chiều nên tôi đã đi khám thì được các bác sĩ kết luận tôi mắc lao. Sau khi hoàn thành đợt điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, từ tháng 8 năm nay, hồ sơ bệnh án của tôi được chuyển về Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên để tiếp tục theo dõi, quản lý, điều trị ngoại trú. Khi mới biết mình mắc lao, tôi rất hoang mang, lo nhất là bị cộng đồng kỳ thị. Tuy nhiên, khi được cán bộ y tế phân tích, động viên, tôi đã yên tâm phần nào. Giờ, hàng tháng, tôi vẫn đến trạm y tế phường lấy thuốc điều trị, sử dụng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Sau một thời gian điều trị, hiện tại, tôi thấy sức khỏe chuyển biến rất tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì uống thuốc đều đặn cho đến khi hết liệu trình.
Giống như bà Nhung, những bệnh nhân đang được theo dõi, quản lý và điều trị lao tại Trung tâm Y tế thành phố đều đã vượt qua tâm lý lo lắng, mặc cảm ban đầu và không ngần ngại đối diện với căn bệnh này.
Ông Lương Văn Xượng, 71 tuổi, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), chuẩn bị kết thúc liệu trình điều trị sau 5 tháng uống thuốc đều đặn, cho hay: Bệnh lao cũng không quá đáng sợ nếu chúng ta tuân thủ nghiêm túc theo phác đồ điều trị. Được cán bộ y tế giải thích, tôi không cảm thấy mặc cảm khi thông báo cho những người xung quanh việc mình đang điều trị bệnh lao.
Cũng theo các bệnh nhân lao, trong quá trình điều trị tại nhà, công tác cấp phát thuốc tại tuyến xã, phường được duy trì và rất thuận tiện cho bệnh nhân. Bác sĩ Lương Thị Hoa, Khoa Kiểm soát, Nhiễm khuẩn và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên), nói: Khi phát hiện mắc lao, 2 tháng đầu, bệnh nhân được quản lý điều trị tại bệnh viện, 4 đến 6 tháng sau bệnh nhân được điều trị tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế cơ sở và người nhà. Tại Trung tâm, các kỹ thuật viên xét nghiệm đều có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với công việc. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 6 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Đáng nói, hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe tại tuyến xã, phường và thành phố đều được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng nên hiểu biết của người dân về bệnh lao đã được nâng lên. Nhờ đó, hầu hết người mắc lao đều phối hợp rất tích cực trong quá trình điều trị.
Với nhiều nỗ lực của hệ thống y tế từ xã, phường đến thành phố, trong 6 tháng đầu năm đã có 28/31 ca mắc lao trên địa bàn TP. Thái Nguyên được điều trị khỏi, đạt tỷ lệ trên 90%.
Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác theo dõi, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc lao, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì mạng lưới phòng, chống lao ổn định ở 32 xã, phường, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên sẽ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống lao được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, mạng lưới y tế của thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân nhằm góp phần phát hiện sớm những bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng. Đặc biệt, Trung tâm Y tế thành phố tích cực áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán mới, tiên tiến để có thể phát hiện bệnh nhân mới, vận động bệnh nhân điều trị sớm, giảm bớt nguồn lây, góp phần đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người mắc bệnh lao vào năm 2035.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin