Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Điều trị nhồi máu não hiệu quả bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết

Tùng Lâm 07:32, 12/12/2022

Năm 2016, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc điều trị nhồi máu não bằng tiêm thuốc sợi huyết. Sau 6 năm triển khai, đến nay, phương pháp điều trị này đã trở thành thường quy và cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân nhồi máu não.

Bệnh nhân hơn 70 tuổi (ở xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) đã cử động được chân, tay sau 2 ngày được các bác sĩ Khoa Thần kinh Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiêm thuốc tiêu sợi huyết.
Bệnh nhân hơn 70 tuổi (ở xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) đã cử động được chân, tay sau 2 ngày được các bác sĩ Khoa Thần kinh Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

Bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng Khoa Thần Kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho hay: Nhồi máu não chiếm khoảng 85% các trường hợp tai biến mạch não. Để điều trị nhồi máu não thành công, vấn đề thời gian và cách thức xử lý có vai trò quyết định. Hiện nay, hai phương pháp điều trị nhồi máu não đang được chúng tôi áp dụng tại Khoa là tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Thời gian “vàng” để tiêm thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân là dưới 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là dưới 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Chúng tôi được biết, việc điều trị nhồi máu não bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện rất nhanh gọn, đảm bảo hiệu quả điều trị cao. Thường, ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được tiến hành chụp DSA, từ đó giúp các bác sĩ tiếp cận vị trí tắc để tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp vào vị trí tắc. Sau tiêm, bệnh nhân được chụp kiểm tra đánh giá trực tiếp sự tái thông mạch.

Thực tế cho thấy, thuốc tiêu sợi huyết (tiêu huyết khối) có vai trò làm tan huyết khối (cục máu đông làm tắc dòng chảy lòng mạch máu não và gây ra đột quỵ não), làm giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não.

Theo bác sĩ Huyền, đây là kỹ thuật khó đòi hỏi các y, bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn cao. Điều đáng mừng là hiện nay Khoa có 29 bác sĩ, điều dưỡng, trong đó có 9 bác sĩ đều thực hiện thuần thục kỹ thuật này.

Đáng nói, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho kết quả CT perfusion trong vòng 7 phút và thực hiện thường quy của Bệnh viện tuyến Trung ương Thái Nguyên cũng là “trợ thủ” rất đắc lực để các y, bác sĩ thực hiện thành công nhiều ca tiêm thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi mãu não.

Khi mới triển khai, nhiều bệnh nhân nhồi máu não chưa biết đến phương pháp điều trị tiêm thuốc tiêu sợi huyết nên thường được đưa đến Bệnh viện muộn, để qua “giờ vàng”. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã nắm bắt được các phương pháp điều trị nhồi mãu não hiện đại, hiệu quả nên thường đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sớm hơn.

Đơn cử như trường hợp của chị Định Thị Thuận, 45 tuổi, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên). Cách đây 2 tháng, chị xuất hiện tình trạng không cử động được tay trái và chân trái. Ngay sau khi có triệu chứng, chị đã được người thân đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nhồi máu não và còn trong giờ vàng nên chị Thuận được chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

Chị Thuận cho biết: Chỉ sau tiêm 30 phút, tôi đã thấy có tác dụng rõ rệt, chân và tay cử động được bình thường. Trước khi ra viện (sau 1 tuần điều trị), bác sĩ chỉ định kiểm tra lại và kết luận không để lại di chứng sau nhồi máu não.

Những năm đầu triển khai phương pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết, 1 năm, Bệnh viện chỉ đón tiếp và điều trị vài trường hợp nhồi mãu não được đưa đến trong “giờ vàng”.

Hiện tại, mỗi tháng, Khoa Thần Kinh đã tiếp nhận và điều trị khoảng 20 trường hợp. Riêng 11 tháng qua, Khoa tiếp nhận trên 3.300 bệnh nhân, trong đó có hơn 180 ca tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

Sau tiêm, hầu hết bệnh nhân đều hồi phục tích cực, không bị ảnh hưởng đến hệ vận động, có thể đi lại, sinh hoạt và lao động bình thường. Dù vậy, quá trình điều trị, các bác sĩ Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) nhận định vẫn còn những trường hợp nhồi máu não được đưa đến viện khi đã qua “giờ vàng” hoặc tình trạng của bệnh nhân đã trở nên quá nặng.

Bởi vậy, các bác sĩ Khoa Thần kinh khuyến cáo người dân, khi có các biểu hiện như tê bì chân tay, khó cử động tay, chân; khó nói, dùng từ không thích hợp; khi cười hoặc nhe răng, một bên mặt không thể cử động… thì cần đưa ngay đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để được thăm khám, kiểm tra và điều trị nhồi máu não kịp thời.