Trong những ngày hè nắng nóng, trẻ có thể mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu không xử trí kịp thời, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, các phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc để trẻ luôn khỏe mạnh trong những ngày thời tiết nóng bức.
Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên khám cho bệnh nhi điều trị nội trú. |
Gần 1 tuần nay, cháu Lý Minh Kiệt, 9 tháng tuổi, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), bị sốt cao, quấy khóc, thường nôn trớ sau khi ăn. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm họng cấp nên chỉ định điều trị theo đúng phác đồ.
Khảo sát tại một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy hiện nay tình trạng trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp giống như cháu Kiệt khá phổ biến. Tại Bệnh viện A Thái Nguyên, Gang thép Thái Nguyên và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày có từ 50 đến 100 trẻ đến khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 10-15% trẻ phải điều trị nội trú do có những triệu chứng nặng như viêm phổi, viêm phế quản…
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho biết: Trời nóng, trẻ đổ mồ hồi sau khi hoạt động lâu ngoài nắng thường có thói quen vào phòng điều hòa hoặc ngồi trước quạt mát nên dễ bị khô vùng mũi họng, chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, thuận lợi cho vi khuẩn thâm nhập. Việc cho trẻ uống nước lạnh, tắm nước mát cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốc nhiệt và các bệnh lý nặng về hô hấp.
Ngoài ra, mùa nắng nóng cũng là thời điểm trẻ dễ bị cảm nắng, say nắng khi hoạt động lâu ngoài trời; mắc các bệnh về đường tiêu hóa khi dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ.
Đáng lo ngại nhất là khi trẻ mắc các bệnh ngoài da bởi nắng nóng sẽ làm cho tuyến mồ hôi và các chất nhầy hoạt động nhiều để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo nên những vùng ẩm ướt ở các vùng da lưng, trán, dưới cổ, kẽ ngón tay, khu vực dưới cánh tay, cổ chân, bẹn…
Sự ứ đọng, tích tụ dưới lỗ chân lông của cơ thể kết hợp cùng các loại vi khuẩn gây ra bệnh nấm ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm nhiễm cho da, sốt cao…
Mới đây, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên tiếp nhận một bệnh nhi bị sốt phát ban và đang có xu hướng biến chứng. Bệnh này thường gặp ở trẻ em, nhất là ở độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi. Nguyên nhân là do vi rút hoặc gặp sởi, Rubella, virus đường ruột ECHO, virus Dengue... Bệnh có thể tự khỏi nhưng có thể là dấu hiệu của các bệnh gây biến chứng, di chứng nguy hiểm (tùy vào từng nguyên nhân).
Đáng nói, thời điểm nắng nóng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh như bệnh tay- chân - miệng. Đa phần bệnh có diễn biến nhẹ như sốt nhẹ, tiêu chảy, nổi nốt phỏng li ti ở miệng hay mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hầu hết bệnh tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng, các biến chứng, nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể gây tử vong nhanh chóng.
Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm.
Thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm trẻ dễ bị chảy máu cam, nhất là trẻ từ 7 đến 10 tuổi. Nguyên nhân là khi trẻ bị nóng trong người làm cho các mạch máu, cấu trúc trong lỗ mũi bị vỡ, gây ngứa ngáy, đặc biệt là khi trẻ thường có tật hay ngoáy mũi vô tình làm vỡ mạch máu và chảy máu cam… Tuy đây không phải là hiện tượng nguy hiểm nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mùa nắng nóng, phụ huynh nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để cho trẻ hoạt động vui chơi, thể chất ngoài nắng hoặc sử dụng điều hòa quá lâu; chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ; chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ…
Đặc biệt, phụ huynh phải luôn chú ý theo sát, khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin