Thời gian qua, Thái Nguyên luôn ở trong tình trạng thiếu vắc-xin Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để không trì hoãn lịch tiêm của trẻ, nhiều gia đình phải chi số tiền không nhỏ để tiêm vắc-xin dịch vụ thay vì được tiêm miễn phí. Dù vậy, đến hết tháng 5, toàn tỉnh mới tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi được 32,9%, thấp hơn gần 8% so với cùng kỳ mọi năm. Trong đó, huyện Định Hóa đạt thấp nhất với 23,4%, tiếp đến là TP. Phổ Yên đạt 28,4%...
Tiêm vắc-xin dịch vụ cho trẻ tại Trung tâm tiêm chủng vắc-xin ở số 38, đường Minh Cầu kéo dài, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). |
Theo chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở Thái Nguyên thì vài tháng qua, con em họ không được tiêm vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Anh Lê Duy Thịnh, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), có con trai 13 tháng tuổi, cho hay: Do trạm y tế thông báo không có vắc-xin nên vài tháng qua, gia đình phải đưa cháu về Hà Nội để tiêm vắc-xin dịch vụ.
Tìm hiểu tại một số trạm y tế trên địa bàn, chúng tôi được biết, thời gian qua, các cơ sở y tế này luôn rơi vào tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng, nhất là vắc-xin 5 trong 1 (phòng các bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib); vắc-xin DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván).
Việc thiếu vắc-xin này đã diễn ra thời gian dài và không chỉ ở Thái Nguyên mà trên phạm vi cả nước.
Bác sĩ Đào Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Y tế Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tiêm chủng mở rộng đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động chuyên môn của y tế tuyến cơ sở. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu thu đua hằng năm của chúng tôi. Để đảm bảo lịch tiêm chủng cho trẻ và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, khi thiếu vắc-xin, chúng tôi hướng dẫn phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con đi tiêm vắc-xin dịch vụ với giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu cho mỗi lần tiêm.
Từ thực tế có thể thấy, việc hướng dẫn các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc-xin dịch vụ đang được xem là giải pháp duy nhất để tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin và đảm bảo lịch tiêm cho trẻ. Về lâu dài, để trẻ em Thái Nguyên được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin vẫn cần nguồn cung ứng vắc-xin theo Chương trình mở rộng luôn ổn định.
Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình Quốc gia để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Vì vậy, mới đây Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế triển khai thực hiện Chương trình này thống nhất trên cả nước, trong đó có việc mua sắm tập trung vắc-xin, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Đặc biệt, sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, Bộ Y tế phải khẩn trương tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức triển khai ngay việc mua, cung ứng vắc-xin cho các địa phương. Đồng thời làm việc với cơ quan y tế nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, viện trợ… về vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng, nhất là vắc-xin phối hợp 5 trong 1 để đáp ứng ngay yêu cầu cấp bách của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho rằng: Với sự vào cuộc của các cấp, bộ, ngành Trung ương, mong rằng tình trạng thiếu vắc-xin sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, trong thời gian này, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm như thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi tiếp xúc với trẻ em; đeo khẩu trang khi có triệu chứng mắc các bệnh về đường hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, giữ nhà cửa thông thoáng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin