Thái Nguyên hiện có 384 nghìn người dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung ở 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Để bà tiếp cận được với các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe, thời gian qua, tỉnh luôn bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân.
Người dân tộc thiểu số ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được phát thuốc theo BHYT khi đi khám bệnh tại Trạm Y tế xã. |
Hết năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của tỉnh đạt 92%, trong đó người dân tộc thiểu số hoặc người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh được cấp miễn phí thẻ BHYT.
Chính sách này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới người dân vùng khó của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Bà Hoàng Thị Sen, người dân tộc Tày ở xã Thần Sa (Võ Nhai), nói: Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, bởi vậy, tấm thẻ BHYT rất quý giá đối với chúng tôi. Mỗi khi đau ốm, chúng tôi ra trạm y tế xã khám bệnh mà không phải lo lắng nhiều về chi phí khám, điều trị bệnh.
Thần Sa là 1 trong 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, người dân được cấp thẻ BHYT miễn phí. Xã Sảng Mộc (Võ Nhai) cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Dao, Mông, Nùng sinh sống, hầu hết người dân được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Khi người dân đến khám, chữa bệnh BHYT, các y, bác sĩ ở các trạm y tế đều tận tâm phục vụ với tinh thần, thái độ tốt nhất. Trong trường hợp có ca bệnh phải chuyển tuyến, các cơ sở y tế tuyến trên cũng luôn đảm bảo quyền lợi tốt nhất về khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.
Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân vùng khó, thời gian qua, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến xã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thông qua đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ.
Bác sĩ Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Đến nay, mạng lưới y tế Thái Nguyên đã phát triển rộng khắp. Cơ sở vật chất tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế không ngừng được cải thiện; trang thiết bị, danh mục kỹ thuật ngày càng được đầu tư; nguồn lực được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên nên đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao. Đáng nói, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường, góp phần giảm thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục hồ sơ về thẻ BHYT và khám chữa bệnh BHYT, hạn chế phiền hà cho người bệnh và nhân dân.
Thực tế cho thấy, bằng nhiều nỗ lực, chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT nói chung và các đối tượng thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT của Thái Nguyên từng bước được nâng lên, người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, quyền lợi được đảm bảo. Theo đó, mức độ sử dụng thẻ BHYT của đồng bào dân tộc thiểu số để khám, chữa bệnh ngày càng tăng lên.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin