Người đàn ông ở Geneva, Thụy Sĩ, là bệnh nhân HIV thứ 6 được tuyên bố đã thuyên giảm bệnh sau khi trải qua ca cấy ghép tế bào gốc.
Người đàn ông 50 tuổi, sống ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, được chẩn đoán nhiễm HIV năm 1990.Ảnh internet |
Người đàn ông 50 tuổi, sống ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, được chẩn đoán nhiễm HIV năm 1990. Giống 5 bệnh nhân đã khỏi HIV sau khi được cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng có đột biến gen CCR5 nhằm điều trị các loại ung thư nghiêm trọng, bệnh nhân Geneva cũng được cấy ghép tế bào gốc để điều trị một dạng bệnh bạch cầu nguy hiểm cách đây gần hai năm.
Nhưng lần này, ca cấy ghép đến từ một người hiến tặng không mang đột biến CCR5. Thông tin này được các nhà nghiên cứu Pháp và Thụy Sĩ đưa ra tại cuộc họp báo ở thành phố Brisbane, Australia, nơi diễn ra hội nghị AIDS vừa diễn ra.
Điều này có nghĩa là virus HIV vẫn có thể xâm nhập vào tế bào của bệnh nhân. Tuy nhiên, 20 tháng sau khi người đàn ông ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus (làm giảm lượng HIV trong máu), các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Geneva không tìm thấy dấu vết của virus trong cơ thể của người đàn ông này.
Mặc dù không thể loại trừ khả năng virus HIV có thể quay trở lại, các nhà nghiên cứu tin bệnh của ông này sẽ thuyên giảm trong thời gian dài.
"Những gì đang xảy ra với tôi thật tuyệt vời, kỳ diệu", bệnh nhân Geneva nói. Ông từng dùng thuốc kháng virus cho đến tháng 11/2021, khi các bác sĩ khuyên ông nên ngừng điều trị sau khi ghép tủy xương.
Hai trường hợp trước đó, được gọi là bệnh nhân Boston, cũng đã nhận được tế bào gốc bình thường hoặc "loại hoang dã" trong quá trình cấy ghép. Nhưng trong cả hai trường hợp, HIV vẫn quay trở lại vài tháng sau khi họ ngừng dùng thuốc kháng virus.
Asier Saez-Cirion, nhà khoa học tại Viện Pasteur của Pháp, người đã trình bày trường hợp bệnh nhân Geneva ở Brisbane, cho rằng nếu vẫn không có dấu hiệu của virus sau 12 tháng thì "xác suất không thể phát hiện được virus trong tương lai sẽ tăng lên đáng kể".
Saez-Cirion cho biết có vài cách giải thích tại sao bệnh nhân Geneva vẫn không nhiễm HIV.
"Trong trường hợp cụ thể này, có lẽ việc cấy ghép đã loại bỏ tất cả các tế bào bị nhiễm bệnh mà không cần đến đột biến CCR5. Hoặc có thể quá trình điều trị ức chế miễn dịch của bệnh nhân, được yêu cầu sau khi cấy ghép, đóng một vai trò nào đó", ông nói.
Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế tổ chức hội nghị khoa học về HIV ở Brisbane, cho biết trường hợp này là "đầy hứa hẹn".
"Nhưng chúng tôi đã học được từ các bệnh nhân ở Boston rằng ngay cả một hạt (phần tử) virus đơn lẻ cũng có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại của HIV. Bệnh nhân cụ thể này sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong những tháng và năm tới", bà lưu ý.
Tuy những trường hợp thuyên giảm lâu dài trên làm dấy lên hy vọng, HIV có thể thực sự được chữa khỏi, quy trình cấy ghép tủy xương đầy rủi ro không phải là một lựa chọn cho hàng triệu người sống chung với virus này trên khắp thế giới. Thay vào đó, đây là nỗ lực cuối cùng để điều trị căn bệnh ung thư đe dọa tính mạng ở những người cũng nhiễm HIV.
Tuy nhiên, có những hy vọng rằng các trường hợp thuyên giảm giúp hướng tới những con đường nghiên cứu mới, chẳng hạn như vai trò tiềm năng của các phương pháp điều trị ức chế miễn dịch.
Saez-Cirion cho biết, trường hợp bệnh nhân Geneva cũng đã khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các tế bào miễn dịch bẩm sinh, hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại những mầm bệnh khác nhau và có thể giúp kiểm soát virus.
Trước Bệnh nhân Geneva, một người đàn ông 53 tuổi ở Düsseldorf, Đức được cũng được bác sĩ tuyên bố khỏi HIV nhờ biện pháp ghép tế bào gốc, vào đầu năm nay. Virus HIV trong cơ thể người đàn ông không có dấu hiệu hoạt động 4 năm sau khi ngừng dùng thuốc kháng virus.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin