Chạy thận nhân tạo tại tuyến huyện: Một mũi tên trúng hai đích

Tùng Lâm 06:49, 19/08/2023

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều trị, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh, việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến huyện còn góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Thực tế này cho thấy ngành Y tế đã thực hiện tốt mục tiêu "một mũi tên trúng hai đích" khi trang bị máy lọc thận và đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về tuyến huyện.

Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ tháng 6-2020.
Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ tháng 6/2020.

Phát hiện bản thân bị suy thận mãn tính từ năm 2019, ông Diệp Thái Hà, 79 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được lập sổ theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Ông Hà chia sẻ: Dù quãng đường đi lại khá xa, nhưng tuần nào tôi cũng phải ra tận Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chạy thận 3 lần. Mỗi lần như vậy, người nhà phải đưa đón rất vất vả. Từ năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ bắt đầu triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Vì vậy, tôi được chuyển về huyện để theo dõi, điều trị, chạy thận định kỳ 3 lần/tuần. Quãng đường đã gần hơn rất nhiều. Thêm nữa, mỗi lần chạy thận, tôi không phải xếp hàng chờ đợi tới lượt như trước.

Tương tự, chị Luân Thị Mơ, 35 tuổi, xóm Đồng Vung, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) cũng là bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ.

Chị Mơ nói: Tôi phát hiện và điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Một thời gian sau đó, tôi được lập sổ và theo dõi, điều trị, chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện. Khi điều trị tại đây tôi rất yên tâm, vì không chỉ thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên môn, các y, bác sĩ quan tâm, chăm sóc chu đáo và luôn dành nhiều thời gian tư vấn chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng cho những bệnh nhân như tôi.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ bắt đầu triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ tháng 6/2020. Đến nay, Trung tâm đang theo dõi, quản lý và điều trị cho 13 bệnh nhân suy thận mãn tính.

Thạc sĩ, bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, cho hay: Từ khi đưa máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động, các bệnh nhân suy thận mãn tính ở Đồng Hỷ không phải lặn lội đi đến tận Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, mà đã được khám, điều trị ngay tại địa phương.

Trước đó (năm 2018), Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cũng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo và nhận được những phản hồi tích cực từ phía người bệnh. Các trường hợp suy thận mãn tính trên địa bàn đều cho rằng việc triển khai kỹ thuật này ở tuyến huyện, nhất là tại địa bàn vùng cao như Võ Nhai, mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh.

Bác sĩ Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, thông tin: Võ Nhai là địa bàn đặc thù, nên để tạo điều kiện cho người bệnh được điều trị hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính. Có những hôm, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm phục vụ bệnh nhân chạy thận đến 22 giờ, nhưng mọi người rất vui vẻ vì đã hỗ trợ được người bệnh điều trị đúng lịch, đảm bảo sức khỏe.

Hiện nay, Thái Nguyên có các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện ở Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ và Định Hóa đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, với tổng số gần 100 bệnh nhân suy thận mãn tính được theo dõi, quản lý và điều trị. Đây là sự quyết tâm rất lớn của ngành Y tế, với mong muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Để việc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại tuyến huyện đạt kết quả cao hơn, cùng với trang bị máy móc, vật tư…, thời gian tới, ngành Y tế Thái Nguyên tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên y tế được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh trong tình hình mới.



Đón xem xsmb 30 ngày