Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 bệnh viện hạng đặc biệt tuyến Trung ương, 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 24 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện và tương đương, 177 trạm y tế tuyến xã. Với mục tiêu xây dựng một nền y tế thông minh, hiện đại, các cơ sở y tế trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã đầu tư hệ thống xét nghiệm tự động có kết nối mở với đầy đủ các phân tích chuyên khoa giúp nâng cao công suất hoạt động, giảm thiểu thao tác thủ công, tiết kiệm nhân lực, thời gian trả kết quả nhanh… |
Số hóa dữ liệu trong khám, điều trị
Mỗi năm, Bệnh viện đa khoa Phú Bình khám, điều trị cho khoảng 70 nghìn lượt người. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Bệnh viện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu trong khám và điều trị. Từ cuối năm 2022, đơn vị đã thực hiện bệnh án điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Bình, cho biết: Là nơi lưu trữ, quản lý thông tin của bệnh nhân, bệnh án điện tử giúp các y, bác sĩ và bệnh nhân có thể dễ dàng tra cứu lịch sử khám bệnh ở bất kỳ đâu nhờ các thiết bị kết nối mạng Internet; đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh chính xác, tránh thực hiện các xét nghiệm không cần thiết gây lãng phí thời gian cho cán bộ y tế và kinh phí cho người bệnh. Thực hiện bệnh án điện tử còn có ý nghĩa trong công tác quản lý, điều hành, giúp cải cách quy trình KCB công khai, minh bạch; phục vụ hiệu quả cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách, kế hoạch và giảm phiền hà cho người bệnh…
Hiện nay, ngoài Bệnh viện đa khoa Phú Bình, hầu hết các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện đều đã thực hiện bệnh án điện tử. Ngoài ra, phần lớn cơ sở KCB trong tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư máy móc, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện.
Bên cạnh đó, nhằm giảm tải cho người bệnh đến khám, điều trị, các đơn vị đều lắp đặt cây đăng ký khám bệnh tự động và phân công cán bộ túc trực, hướng dẫn người bệnh cách đăng ký và lấy số.
Bà Chu Thị Phương, phường Quan Triều (TP. Thái Nguyên), nói: Đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn thủ tục đăng ký, lấy số rất nhanh gọn. Đặc biệt, trong quá trình khám bệnh, chờ kết quả, người dân không phải đợi lâu.
Kết quả nổi bật nhất của việc số hóa dữ liệu trong công tác khám, chữa bệnh là đến nay ngành Y tế đã thực hiện kết nối dữ liệu KCB, quản lý dân số, hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống chung. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Hiện, Thái Nguyên có trên 200 cơ sở KCB thực hiện kết nối liên thông với hơn 2,4 triệu hồ sơ liên thông trên hệ thống; trên 73% người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe; 100% (223) cơ sở KCB BHYT đã thực hiện tra cứu thông tin BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa
Không chỉ tạo nền tảng vững chắc trong số hóa dữ liệu khám, chữa bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn tạo ra bước nhảy vọt khi giúp nhiều cơ sở KCB trong tỉnh triển khai được hệ thống tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa.
Hiện nay, 100% cơ sở KCB trong tỉnh đã đăng ký tham gia đề án KCB từ xa theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã tham gia gần 60 buổi tư vấn, hội chẩn tư vấn KCB từ xa, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa của các đơn vị tuyến trên.
Đặc biệt, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều bệnh viện đã tiến hành cho người bệnh tiếp cận thông tin, đăng ký dịch vụ, đặt lịch hẹn khám, trao đổi tư vấn, khám bệnh từ xa nhanh chóng, thuận thuận. Đơn cử như Bệnh viện Quốc tế đã triển khai đồng thời 4 kênh thông tin để người bệnh, khách hàng liên hệ trao đổi một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và chính xác.
Theo đó, người bệnh có thể tiếp cận thông tin, đăng ký dịch vụ, đặt lịch hẹn khám, trao đổi tư vấn, khám bệnh từ xa. Nhiều nội dung khác trong quy trình làm việc cũng được đơn vị triển khai với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin như: Lọc dữ liệu tiêm chủng; kết nối liên thông hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn...
Hay tại Bệnh viện A Thái Nguyên, người dân cũng có thể kết nối, đặt lịch hẹn khám qua số điện thoại hoặc Facebook... Chị Nguyễn Thanh Hòa đến từ tỉnh Bắc Kạn cho hay: Nhờ đặt lịch khám từ trước nên khi đến làm thủ tục để được khám trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng tôi không phải mất thời gian chờ đợi.
Thực tế cho thấy, công nghệ thông tin đã tạo bước đột phá, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở KCB. Đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu của người dân, làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân với các dịch vụ y tế. Đồng thời thu hút được nhiều người dân sử dụng các dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở, góp phần đảm bảo công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải cho y tế tuyến trên…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin