Theo các bác sĩ, hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý tim mạch phổ biến ở người cao tuổi và có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp thay van nhân tạo. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền kèm theo thì không thể thực hiện bằng phương pháp thay van truyền thống vì nguy cơ tử vong cao.
Theo TS. BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện FV, hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Đây là một bệnh lý tim mạch phổ biến, chiếm khoảng 2 - 5% ở người từ 65 tuổi trở lên và 30% người trên 75 tuổi. Bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ có nguy cơ tử vong sau 1 năm lên tới 40% nếu như không được can thiệp thay van nhân tạo.
Các bác sĩ đang thực hiện thay van động mạch chủ bằng kỹ thuật TAVI. |
Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh hẹp van động mạch chủ là phẫu thuật tim hở. Cụ thể, bệnh nhân được mở ngực, dừng tim, sau đó các bác sĩ sẽ thay thế van động mạch chủ tự nhiên bằng một van nhân tạo. Tuy nhiên, với phương pháp này có nhiều hạn chế như thời gian phẫu thuật dài, nguy cơ biến chứng cao, thời gian hồi phục lâu và đặc biệt không thể áp dụng cho bệnh nhân tuổi cao, bởi sức khỏe yếu hoặc có các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy thận, bệnh phổi…
TS. BS Hồ Minh Tuấn cho biết, gần đây, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) để điều trị hẹp van động mạch chủ được xem là một thủ thuật đầy hứa hẹn trong việc mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ, đặc biệt là nhóm cao tuổi và mang trong mình nhiều bệnh nền không thể thực hiện phương pháp thay van tim truyền thống. Ưu điểm của kỹ thuật này là thời gian hồi phục nhanh, tránh nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết hoặc suy tim.
Mới đây, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tim mạch đến từ Malaysia, Bệnh viện FV đã thực hiện thành công thay van tim bằng kỹ thuật TAVI cho cụ ông 83 tuổi (ngụ TP Hồ Chí Minh) bị hẹp van động mạch chủ rất nặng. Đối với trường hợp của bệnh nhân này, phương pháp can thiệp bằng thuốc không còn đáp ứng và phải thay van tim mới có thể giữ được tính mạng. Tuy nhiên, nếu thay van bằng phương pháp mổ hở truyền thống thì tiên lượng tử vong rất cao. Phương pháp an toàn nhất đối với ca bệnh này là can thiệp thay van tim bằng kỹ thuật TAVI.
“Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng và ngay sau phẫu thuật bệnh nhân được kỹ thuật viên phục hồi chức năng giúp tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tim. Ba ngày sau, bệnh nhân đã tự đi lại, tập thể dục như bình thường và có thể xuất viện”, TS. BS Hồ Minh Tuấn nói.
TS. BS Hồ Minh Tuấn cho biết thêm, TAVI là một kỹ thuật cao, thuộc loại phức tạp hàng đầu trong can thiệp nội mạch, do vậy hiện chỉ có thể triển khai được ở một số trung tâm tim mạch lớn với đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Tại Việt Nam có một số trung tâm lớn triển khai kỹ thuật này.
Được biết, ngày 18/10/2023 Viện Tim Mạch Việt Nam là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện một cách độc lập kỹ thuật TAVI cho bệnh nhân 82 tuổi bị hẹp van động mạch chủ nguy kịch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin