Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều người ở Thái Nguyên đã chủ động đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván. Do số người đi tiêm tăng đột biến nên một số cơ sở tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh hết loại vắc-xin này.
Cán bộ y tế kiểm tra cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Chị Ngô Hồng Anh, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho hay: Con gái tôi 15 tuổi. Cháu đã tiêm vắc-xin phòng các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván theo Chương trình tiêm chủng mở rộng khi chưa đầy 1 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang giáp ranh với Thái Nguyên đã có ca nhiễm bệnh. Đặc biệt, tháng 9-2023, Thái Nguyên có 2 trường hợp mắc bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Do đó, tôi muốn đưa con đi tiêm nhắc lại vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) để bảo đảm sự an toàn cho con. Dù vậy, tại một số cơ sở tiêm dịch vụ của tỉnh, loại vắc-xin này đang “cháy” hàng.
Đúng như chia sẻ của chị Anh, tại hầu hết các cơ sở tiêm phòng dịch vụ có cung ứng loại vắc-xin này đều trong tình trạng không còn hàng. Theo nhận định của các bác sĩ, nhiều người đang lo lắng quá mức. Dù mỗi ngày, lưu lượng người di chuyển từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã xuất hiện ca bệnh như Nghệ An, Bắc Giang… về Thái Nguyên khá đông, nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung là khá cao. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ miễn dịch cộng đồng ở Thái Nguyên ở mức an toàn nên khả năng mắc và lây lan bệnh bạch hầu sẽ thấp.
Bác sĩ Lưu Văn Thuyên, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên), cho biết: Người dân không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, bởi các ca mắc bệnh bạch hầu ở Thái Nguyên vừa qua là ngoại lai từ tỉnh khác vào. Các trường hợp này đều chưa tiêm phòng vắc-xin nên mới bị mắc bệnh và trở nặng.
Trước những lo lắng về việc phải tiêm bổ sung hoặc nhắc lại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nói: Những trường hợp đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh thì không nhất thiết phải tiêm nhắc lại. Người dân không nên tự ý tiêm vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu khi chưa có sự hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế.
Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu nên cân nhắc các yếu tố nguy cơ. Theo đó, những gia đình có trẻ nhỏ, thường phải di chuyển nhiều nơi, đặc biệt là đi đến vùng có dịch và có tiếp xúc với các trường hợp có nguy cơ thì mới cần tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.
Trên thực tế, hơn 20 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh bạch hầu, đã bị loại ra khỏi cộng đồng. Trẻ nhỏ sinh sống trên địa bàn tỉnh đều được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván ngay từ khi chưa đầy 2 tuổi. Đáng nói, hệ thống y tế của Thái Nguyên hoàn toàn có thể kiểm soát được các ca bệnh.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa khả năng miễn dịch cộng đồng, các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ em dưới 2 tuổi cần tiêm đủ các loại vắc-xin có thành phần bạch hầu, như vắc-xin 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván- bại liệt - viêm phổi và viêm màng não), 6 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hemophilus Influenza týp B -Hib). Thời điểm tiêm tốt nhất là khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.
Cha mẹ có thể tiêm vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ lúc 18 tháng tuổi. Ngoài ra, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể tiêm vắc-xin 4 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà- bại liệt), vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà- uốn ván), vắc-xin 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin