Khoảng 5 năm trở lại đây, số người mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Với nguyên nhân phức hợp, nhiều yếu tố nguy cơ, không có nguồn gốc nhiễm trùng, bệnh không lây nhiễm khởi phát từ từ, tiến trình kéo dài, điều trị dai dẳng và để lại hâu quả lâu dài. Do đó, việc phòng, chống các bệnh này là rất cần thiết...
Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. |
Được coi là "kẻ giết người thầm lặng”, các bệnh không lây nhiễm gồm nhiều bệnh nhưng đáng chú ý nhất vẫn là bệnh tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ); ung thư; bệnh đường hô hấp mãn tính (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản); đái tháo đường.
Riêng với Thái Nguyên, số người tăng huyết áp và mắc bệnh đái tháo đường khá lớn, có xu hướng tăng nhanh. Năm 2023, qua khám sàng lọc, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1.023 người mắc tiền đái tháo đường và 376 người mắc đái tháo đường; 3.537 người mắc tăng huyết áp. Đồng thời, Bệnh viện Phổi quản lý ngoại trú bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen (CMU) cho trên 700 bệnh nhân.
6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh phát hiện trên 3.300 bệnh nhân tăng huyết áp, lũy tích số bệnh nhân được phát hiện là xấp xỉ 51.200 người; phát hiện thêm 456 bệnh nhân mắc đái tháo đường, nâng tổng số bệnh nhân toàn tỉnh lên trên 27.000 người.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), chia sẻ: Quá trình khám bệnh, chúng tôi phát hiện nhiều người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có cả những người trẻ. Đa phần họ đều có biểu hiện bệnh khá nặng mới đi khám. Lúc này, bệnh đã thành mãn tính nên bệnh nhân phải sống chung với thuốc điều trị suốt đời.
Trên thực tế, những người có thói quen sinh hoạt, lối sống thiếu lành mạnh có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh này. Nhất là các thói quen như hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia và có chế độ ăn, ngủ không hợp lý.
Bác sĩ Nhung cho rằng: Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm có rất nhiều nhưng 4 yếu tố nêu ở trên là những yếu tố có thể thay đổi được. Bởi vậy, phòng bệnh không lây nhiễm không hề khó nếu cộng đồng hiểu được sự nguy hiểm của các loại bệnh này. Từ đó, chủ động loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá; tăng cường vận động thể lực, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; hạn chế uống rượu bia và có chế độ ăn, ngủ hợp lý … Đặc biệt là hạn chế ăn muối, đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào rán, uống đồ ngọt có ga; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi…
Cùng với phòng bệnh thì việc đẩy mạnh dự phòng, quản lý điều trị cũng được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Nhằm làm tốt công tác dự phòng, hằng năm, ngành Y tế thường xuyên tổ chức các đợt khám sàng lọc cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh khám sàng lọc tăng huyết áp cho 7.460 người có nguy cơ, trong đó số người mắc bệnh chiếm trên 40%; khám sàng lọc đái tháo đường cho 2.546 người có nguy cơ, tỷ lệ người mắc bệnh chiếm hơn 47%. 6 tháng đầu năm, hoạt động này cũng được duy trì với con số vài nghìn người được khám sàng lọc, trong đó tỷ lệ người được khám mắc hai bệnh này chiếm trên 30%.
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thông qua khám sàng lọc, chúng tôi phát hiện sớm các trường hợp tiền bệnh hoặc mắc bệnh không lây nhiễm. Qua đó tư vấn để họ được quản lý, điều trị đúng phác đồ, góp phần giảm số người mắc bệnh mãn tính, tàn tật, tử vong. Bên cạnh làm tốt công tác dự phòng, tỉnh cũng quản lý, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường khá hiệu quả. Hiện, có 142/177 trạm y tế tuyến xã thực hiện dự phòng, quản lý tăng huyết áp. Trong đó có 16.340 bệnh nhân được quản lý tăng huyết áp tại trạm y tế xã, phường.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm, ngành Y tế Thái Nguyên đang phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam giám sát hỗ trợ các trạm y tế tuyến xã thực hiện báo cáo hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Tăng cường hệ thống y tế cơ sở phòng chống các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa và sự tham gia của cộng đồng”... nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin