Cùng với cả nước, trên 347 nghìn học sinh ở Thái Nguyên chuẩn bị bước vào năm học 2024-2025. Trong khi đó, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, thời gian qua, một số bệnh truyền nhiễm trong cả nước và tại Thái Nguyên tăng hơn so với cùng kỳ. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về nội dung này, bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho rằng, để bảo vệ học sinh mùa tựu trường, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh rất cần được quan tâm.
Tư vấn tiêm vắc - xin phòng bệnh cho trẻ tại VNVC Phổ Yên. |
Phóng viên (P.V): Bác sĩ đánh giá như thế nào về nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm dịp tựu trường của học sinh tại Thái Nguyên?
Bác sĩ Hoàng Anh: Học sinh tựu trường vào mùa Thu, đây là thời điểm miền Bắc chuyển mùa, khí hậu ẩm thấp, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển. Theo đó, các bệnh như sởi, thủy đậu, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng có thể lây lan, bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ.
Đặc biệt, trong môi trường học đường, trẻ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là trẻ mẫu giáo và tiểu học dễ bị các vi khuẩn, vi rút tấn công gây bệnh. Trong đó, đáng lưu ý nhất là các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ở môi trường lớp học, sinh hoạt tập trung, các nhà trường có tổ chức ăn bán trú… tốc độ lây truyền thường rất nhanh khi dịch bệnh xảy ra.
Tại Thái Nguyên, mùa tựu trường năm học 2023-2024 đã xuất hiện 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên (là các ca bệnh xâm nhập từ tỉnh khác vào), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Kết thúc năm 2023, một số dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cũng có xu hướng tăng hơn năm trước như sốt xuất huyết 393 ca (tăng 285 ca so với đầu năm 2023); tay chân miệng 470 ca (tăng 205 ca), thủy đậu 668 ca (tăng 149 ca)…
P.V: Với những nguy cơ như vậy, chúng ta cần làm gì để phòng, chống bệnh cho học sinh, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Anh: Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế là phần việc đang được chúng tôi thực hiện. Nhất là tổ chức, kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác chống dịch, đặc biệt ở khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa bàn chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt tiến độ. Cùng với đó, thực hiện cách ly, xử lý triệt để nếu trên địa bàn tỉnh có các ổ dịch phát sinh tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh cũng được tăng cường.
Ngoài triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; việc rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc - xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi cũng được Thái Nguyên hết sức quan tâm. Hiện, chúng tôi đã tham mưu với Sở Y tế về nội dung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc - xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị và nhân lực… đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh; khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch cũng như nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con trong việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình và trẻ em.
P.V: Bác sĩ có những khuyến cáo gì về việc phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ trong những ngày đầu năm học mới?
Bác sĩ Hoàng Anh: Để phòng bệnh cho trẻ nói chung cũng như dịp tựu trường một cách hiệu quả, phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng các loại vắc - xin phòng bệnh phù hợp lứa tuổi với các loại vắc - xin có sẵn; bổ sung vitamin C vào chế độ ăn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Cùng với đó, gia đình nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân thật tốt cho trẻ, nhất là vệ sinh tay (nơi có chứa nhiều vi khuẩn) trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo cho trẻ ngay sau khi đi học về; hằng ngày nên rỏ mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% làm sạch mắt, mũi vì trẻ ra đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc nguồn gây ô nhiễm. Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa con đến ngay cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa để được khám, phát hiện, điều trị các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm kịp thời, hiệu quả.
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc phỏng vấn này!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin