Triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

T.H 19:00, 10/09/2024

Sau bão lụt là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy, tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua nguồn nước hoặc từ động vật.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun hóa chất khử khuẩn tại đơn vị sau khi nước rút, ngày 10-9.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun hóa chất khử khuẩn tại đơn vị sau khi nước rút, ngày 10-9.

Do đó, để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và chủ động xứ lý môi trường sau bão mưa lũ, Sở Y tế Thái Nguyên đã đề nghị các sở, ban, ngành, các phòng y tế, trung tâm y tế, các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quyết liệt triển khai nhiều biện pháp. Kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ; xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước, xử lý chất thải, thu gom, tiêu hủy súc vật, gia cầm bị chết, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các biện pháp vệ sinh môi trường; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh nguồn nước. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, đặc biệt là vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Nước rút đến đâu phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các tình huống cứu hộ, cứu nạn.