Không phát sinh dịch bệnh sau ngập lụt: Giải pháp và bài học kinh nghiệm

Hạ Liên 09:01, 16/10/2024

Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Đến thời điểm này có thể khẳng định, Thái Nguyên đã không phát sinh bất cứ dịch bệnh nào sau cơn bão số 3. Đây được xem là thành công của tỉnh nói chung, ngành Y tế nói riêng trong việc ứng phó với cơn bão và hoàn lưu bão. Đã có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện để có được kết quả này, cũng như nhiều bài học quý được rút ra trong việc ứng phó với bão lũ.

Nắm bắt trực tiếp tình hình tại cơ sở để có chỉ đạo kịp thời là một trong những giải pháp quan trọng giúp công tác phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của ngành Y tế Thái Nguyên đạt hiệu quả tốt.
Nắm bắt trực tiếp tình hình tại cơ sở để có chỉ đạo kịp thời là một trong những giải pháp quan trọng giúp công tác phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của ngành Y tế Thái Nguyên đạt hiệu quả tốt.

Bác sĩ Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngay khi có thông tin về cơn bão, Sở đã thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra một số cơ sở khám, chữa bệnh về công tác chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bão số 3. Và khi nước bắt đầu rút, Sở cũng đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn 5 huyện, thành phố xảy ra ngập lụt.

Tính chung trong đợt mưa bão này, Sở đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt ngay khi nước bắt đầu rút. Trên cơ sở này, 100% đơn vị y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả việc phòng, chống cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão .

Thực tế cho thấy, trong những ngày xảy ra bão lũ, đã có nhiều người bị thương và bị ốm. Có người bị đất đá vùi lấp, có người thì bị ngã gẫy tay, gẫy chân trong quá trình di chuyển hoặc khuân vác, dọn dẹp đồ đạc. Trong khi đó, việc đi lại, cấp cứu trong những ngày mưa to, ngập lụt gặp không ít khó khăn…

Dự báo trước được những tình huống có thể xảy ra, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ ngày 4-9, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm thường trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết; tổ chức ứng trực 24/24; chủ động chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp; sẵn sàng thiết lập trạm cấp cứu dã chiến tại các khu vực có địa hình cao…

Có những ngày như 6-9, Sở ban hành tới 6 công văn, thông báo để triển khai các nội dung ứng phó với cơn bão. Các ngày sau đó, Sở tiếp tục ban hành nhiều văn bản để triển khai các nội dung có liên quan. Từ sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên nên trong thời gian xảy ra bão lụt, các cơ sở y tế trên địa bàn đã cấp cứu, xử trí kịp thời gần 60 ca bị thương, bị bệnh...

Khi nước bắt đầu rút, một nhiệm vụ nặng nề khác mà ngành Y tế phải tập trung triển khai đó là xử lý ô nhiễm môi trường. Khi này, Sở tập trung triển khai tới các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp làm sạch nhà ở và khu vực xung quanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Kiện toàn các đội cơ động chống dịch đáp ứng nhanh, đội cấp cứu lưu động tại các tuyến, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành. Phối hợp với các đơn vị công an, quân đội, chính quyền các địa phương, các đoàn công tác tình nguyện trong và ngoài tỉnh… tổ chức phun hóa chất khử khuẩn, vệ sinh môi trường, làm sạch nguồn nước sau bão lũ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố và các trạm y tế trên địa bàn bị ngập lụt thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của người dân. Những trường hợp người dân có dấu hiệu bất thường về sức khỏe đều được tiến hành điều tra dịch tễ và có các biện pháp xử lý kịp thời (nếu cần), để không phát sinh thành dịch bệnh.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp phát 157,5 nghìn viên khử khuẩn nước Aquatabs; trên 2.300kg Cloramin B; 2.699 túi thuốc gia đình; 10 cơ số thuốc thuốc phòng lụt bão (mỗi cơ số trị giá gần 10,5 triệu đồng)… để cấp phát đến người dân và khử khuẩn môi trường những vùng ngập lụt.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân hóa chất khử khuẩn và những loại thuốc thông dụng; tổ chức ra quân khử khuẩn môi trường, với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh, dọn dẹp đến đó. Ước tính tổng diện tích được phun khử khuẩn tại các địa phương là trên 10 triệu m2.

Có thể nói, việc không để xảy ra dịch bệnh sau bão số 3 là một thành công rất đáng ghi nhận của tỉnh ta nói chung, ngành Y tế địa phương nói riêng, khi chưa bao giờ số hộ dân trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt nhiều và dài ngày như trong cơn bão lần này.

Để có được kết quả đó, Sở Y tế thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế; nắm bắt kịp thời các vấn đề thực tế phát sinh và dự báo sát các tình huống có thể xảy ra, để chỉ đạo các đơn vị chủ động các biện pháp ứng phó. Sở cũng đã phối hợp có hiệu quả với các đơn vị chức năng trên địa bàn; chủ động kết nối, kêu gọi sự giúp đỡ về vật tư, phương tiện, con người từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, để có được một lượng cần thiết trang thiết bị, vật tư y tế và các loại thuốc, đảm bảo cho việc ứng phó, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh…