Tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập: Lợi thì có lợi, nhưng khó khăn vẫn còn (kỳ 1):
Tạo sự cạnh tranh lành mạnh - người dân được lợi

Huệ Dinh - Hoàng Anh 10:29, 09/10/2024

Là chủ trương lớn của Trung ương và Bộ Y tế, tự chủ tài chính được coi là xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới của ngành Y tế để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Hiện nay, hầu hết đơn vị sự nghiệp của ngành Y tế Thái Nguyên đều tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) hoặc tự chủ một phần (nhóm 3). Trong đó có 9 cơ sở y tế đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Dù mang lại khá nhiều thuận lợi nhưng tự chủ tài chính cũng đang khiến nhiều bệnh viện gặp khó...

Từ khi thực hiện tự chủ, Bệnh viện A Thái Nguyên đã có điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nguồn lực con người và thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị tuyến Trung ương. Trong ảnh: Các bác sĩ phẫu thuật cắt u nang buồng trứng và bóc u xơ tử cung cho bệnh nhân có 2 tử cung ở Đại Từ.
Từ khi thực hiện tự chủ, Bệnh viện A Thái Nguyên đã có điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nguồn lực con người và thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị tuyến Trung ương. Trong ảnh: Các bác sĩ phẫu thuật cắt u nang buồng trứng và bóc u xơ tử cung cho bệnh nhân.

“Xin” được tự chủ chi thường xuyên

Từ năm 2024, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên bắt đầu triển khai thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Trước đó, 8 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng đã thực hiện chi thường xuyên nhưng là theo lộ trình của ngành Y tế (được khoảng 5 hoặc 6 năm). Được coi là “lính mới” trong tự chủ chi thường xuyên nhưng điều đặc biệt của Trung tâm là đơn vị đã “xin” được chuyển từ tự chủ tài chính nhóm 3 sang nhóm 2.

Hiện nay, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên có trên 170 y, bác sĩ, điều dưỡng… ở khối điều trị. Năm 2022 và 2023, để đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị của nhân dân, Trung tâm đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thu hút thêm bác sĩ, mở rộng các loại hình dịch vụ y tế.  Nhờ đó, bệnh nhân tin tưởng hơn khi đến khám, chữa bệnh, nên giường điều trị kế hoạch của Trung tâm tăng từ 135 giường năm 2022 lên 150 giường năm 2023 (giường điều trị thực kê tăng từ 170 giường lên 210 giường), nguồn thu tăng. Tháng 1-2024, Trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt nâng hạng bệnh viện từ hạng 3 lên bệnh viện hạng 2.

 

Dù vậy, cơ chế tài chính còn nhiều ràng buộc ở đơn vị tự chủ nhóm 3 chưa thu hút và phát huy được năng lực của cán bộ, viên chức hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, trong khi mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên khối bệnh viện đạt trên 100%.

Lý giải về việc “xin” được tự chủ chi thường xuyên, bác sĩ CKII Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, cho biết: Tự chủ chi thường xuyên giúp cho đơn vị chủ động được việc cân đối thu, chi; xây dựng được nguồn thu nhập tăng thêm, khen thưởng, hỗ trợ cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đặc biệt là được đầu tư xây dựng, mua sắm đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có cơ chế thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ tuyến cơ sở.

Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ

Hiện nay, Sở Y tế có 24 đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các mức: bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Trong đó có 9 đơn vị thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên là các bệnh viện: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang thép, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, đa khoa Phú Bình, đa khoa Đại Từ, đa khoa Định Hóa và Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa đã được trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa đã được trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Ông Hoàng Hải, Phó Gám đốc Sở Y tế, cho rằng: Việc giao quyền tự chủ về tài chính đã tạo ra một cơ chế mở, giúp các đơn vị y tế năng động, bứt phá, thay đổi và khẳng định mình, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Không chỉ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tự chủ về tài chính còn tạo cho các đơn vị quyền chủ động thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như giúp người dân có nhiều sự lựa chọn những cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ y tế tốt nhất.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện Gang thép, việc tự chủ đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện khi xem bệnh nhân là khách hàng đặc biệt. Từ đó tự giác, đoàn kết xây dựng đơn vị thân thiện, nâng cao chỉ số hài lòng để thu hút bệnh nhân. Các hoạt động của đơn vị đều được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thêm niềm tin và lòng nhiệt huyết say mê công việc cho đội ngũ nhân viên y tế toàn đơn vị.

Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa, từ khi thực hiện tự chủ đến nay (6 năm), Bệnh viện đã chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo, nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu của công việc. Nhờ đó, dù là bệnh viện tuyến huyện nhưng đến nay đơn vị đã thực hiện được trên 100 kỹ thuật của tuyến tỉnh.

 

Bệnh viện đa khoa Phú Bình cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến trên. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Bình, chia sẻ: Thực hiện tự chủ chi thường xuyên giúp đơn vị chủ động hơn trong việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế. Đặc biệt là cân đối được nguồn kinh phí để đối ứng sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất của Bệnh viện.

Thực tế cho thấy, tự chủ kinh phí hoạt động tại các đơn vị không chỉ tăng tính chủ động, tiết kiệm kinh phí hoạt động cũng như ngân sách nhà nước mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

Có thể thấy, từ việc thực hiện tự chủ tài chính, người dân đã được hưởng lợi rất nhiều. Trong khám, chữa bệnh, để thu hút bệnh nhân, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế…

Nhờ đó, các bệnh viện ở Thái Nguyên đã thực hiện được một số kỹ thuật mới, cơ bản và chuyên sâu như hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF) tại Bệnh viện A; hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Gang thép; phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương tại Bệnh viện C, kỹ thuật Phaco tại Bệnh viện Mắt; ứng dụng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Ba bệnh viện tỉnh duy trì bệnh viện vệ tinh của 6 bệnh viện tuyến Trung ương góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Vì vậy, người dân trong tỉnh không cần phải đi xa vẫn có thể được khám, chữa bệnh với dịch vụ y tế tốt nhất tại Thái Nguyên.

(Còn nữa)