Bị vỡ gan do tai nạn giao thông, bé gái 4 tuổi được cứu sống

Cù Thị Thuý 21:32, 13/12/2024

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa phẫu thuật cấp cứu thành công bé gái 4 tuổi bị vỡ gan diện rộng do ô tô cán qua người bằng phương pháp khâu bảo tồn gan vỡ.

Qua 8 ngày điều trị, hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhi đã hết chảy máu, ăn uống bình thường, sức khỏe đang hồi phục tốt.
Qua 8 ngày điều trị, hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhi đã hết chảy máu, ăn uống bình thường, sức khỏe đang hồi phục tốt.

Trước đó ngày 3-12, bé Hoàng Thanh Kim N., (4 tuổi, ở TP. Bắc Kạn) bị tai nạn giao thông được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đến cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tình trạng lúc vào trẻ tỉnh, da, niêm mạc nhợt, đau bụng, bụng chướng, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.

Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm cấp cứu, truyền dịch và chụp cắt lớp vi tính, kết quả phim chụp cho thấy có tổn thương vỡ gan độ V, tràn khí trung thất, tràn khí dịch màng ngoài tim. Nhận thấy tình trạng trẻ rất nguy kịch, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, các bác sĩ khoa Ngoại nhi đã chỉ định mổ tối cấp cứu, đồng thời phối hợp hội chẩn liên khoa với Trung tâm Huyết học truyền máu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực và Gây mê hồi sức.

BSCKII. Hoắc Công Sơn - Trưởng khoa Ngoại nhi, phẫu thuật viên chính của ca mổ, cho biết: Đối với chấn thương bụng kín, vỡ gan là một tổn thương rất nặng ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Với trường hợp của bệnh nhi N, cháu mới 4 tuổi nhưng tổn thương gan do tai nạn rất lớn. Trong quá trình phẫu thuật, ổ bụng có nhiều máu chảy, gan vỡ phức tạp, đường vỡ tách rời gan phân thùy sau (hạ phân thùy VI, VII), vỡ rời hạ phân thùy I, rách động tĩnh mạch phân thùy sau. Kíp phẫu thuật đã cố gắng hết sức, vừa phẫu thuật vừa truyền máu và làm những gì nhanh nhất, tốt nhất cho cháu.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công, cháu N đã qua cơn nguy kịch. Qua 8 ngày điều trị, hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhi đã hết chảy máu, ăn uống bình thường, sức khỏe đang hồi phục tốt.

Thời gian qua, việc phối hợp các chuyên khoa trong cấp cứu, chẩn đoán, xử trí và điều trị cho người bệnh luôn được Ban Giám đốc Bệnh viện quan tâm, chỉ đạo các đơn vị cùng thực hiện. Qua đó, không chỉ khẳng định trình độ chuyên môn ngày càng cao của đội ngũ y, bác sĩ mà còn cho thấy hiệu quả của việc tổ chức phối hợp cùng thực hiện các kỹ thuật khó, chuyên sâu, góp phần cứu sống và mang lợi nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.