Trong tháng 12 này, tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh đều đã và đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin giảm liều (Td) nhắc lại cho trẻ 7 tuổi, nhằm giúp trẻ củng cố khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh bạch hầu, uốn ván, đồng thời giúp gia tăng miễn dịch cộng đồng. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết ngày 31-12, trên 90% trẻ trong độ tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe sẽ được tiêm mũi vắc-xin này.
Tại mỗi huyện, thành phố, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ thực hiện việc giám sát tiêm vắc-xin Td từ 3-4 địa điểm ở trường tiểu học. Trong ảnh: Giám sát tiêm vắc-xin Td tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên. |
Vắc-xin Td do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả cho trẻ em 7 tuổi trở lên. Đây là lần đầu tiên tất cả trẻ đang học lớp 2 và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được tiêm miễn phí loại vắc-xin này.
Theo đó, trạm y tế các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiêm cho trẻ tại địa phương. Trung tâm y tế các huyện, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giám sát để việc triển khai tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời kịp thời xử lý các tình huống có thể phát sinh.
Hiện nay, 2 huyện Định Hóa và Phú Lương đã thực hiện tiêm cuốn chiếu. Các địa phương còn lại đang tổ chức tiêm rải rác theo lịch đăng ký.
Bác sĩ Mai Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Định Hóa: Toàn huyện có 1.615 trẻ thuộc đối tượng tiêm, 100% đều là học sinh, không có trẻ vãng lai. Trong 2 ngày ra quân (9 và 10-12), 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiêm được cho 1.479 trẻ. 136 trẻ hoãn tiêm do ốm sốt sẽ được tiêm bù, tiêm vét trong tháng 12 theo lịch tiêm của các trạm y tế xã. Tất cả trẻ được tiêm đều an toàn, không có phản ứng sau tiêm.
Trước đó, để việc tiêm chủng diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác tiêm chủng vắc-xin Td trên toàn tỉnh; phân công cán bộ kiểm tra, giám sát hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Trung tâm y tế các huyện, thành phối hợp với phòng giáo dục - đào tạo, phòng y tế tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo các trường tiểu học lập danh sách đối tượng, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động triển khai tiêm; hướng dẫn các hoạt động về chuyên môn, kỹ thuật, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và an toàn; thành lập, kiện toàn các đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới trong thời gian diễn ra tiêm...
Các trẻ trước khi tiêm, đều được cán bộ trạm y tế xã, phường khám sàng lọc. |
Qua thực tế quan sát tại nhiều điểm tiêm trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các trẻ đều được khám sàng lọc trước tiêm. Sau tiêm, đều phải ngồi tại chỗ để theo dõi. Không thực hiện tiêm đối với những trẻ có tiền sử quá mẫn cảm với thành phần của vắc-xin trong các lần tiêm chủng trước; trẻ chưa đủ 7 tuổi; trẻ đã tiêm đủ 5 mũi vắc - xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trong quá khứ hoặc trẻ đã tiêm vắc - xin có thành phần uốn ván, bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm. Hoãn tiêm đối với trẻ đang ốm (sốt trên 38 độ C, đang mắc bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu, Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Thái Nguyên triển khai tiêm vắc-xin Td trong tháng 12 với mong muốn sẽ tiêm được nhiều nhất số trẻ thuộc diện đối tượng. Theo kế hoạch, mỗi năm chỉ triển khai 1 lần cho trẻ đang học lớp 2, đủ 7 tuổi trở lên và những trẻ 7 tuổi không đi học.
Theo thống kê sơ bộ, trong ngày diễn ra tiêm chính tại các trường học, số trẻ được tiêm đều đạt trên dưới 90%, số còn lại do chưa đến sinh nhật hoặc đúng ngày học sinh nghỉ học hay bị ốm sốt… sẽ được tiêm bù, tiêm vét tại trạm y tế.
Trước đó, trong tháng 11, trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các trường tiểu học lập danh sách trẻ đang học lớp 2 (bao gồm cả trẻ trên 7 tuổi); phối hợp với cộng tác viên dân số, trưởng thôn/xóm… rà soát nhóm trẻ 7 tuổi không đi học, đang có mặt ở địa phương, bao gồm cả đối tượng vãng lai… Theo đó, dự kiến có trên 23 nghìn trẻ trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được tiêm vắc-xin Td trong năm 2024.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu: Theo lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ em dưới 1 tuổi đã được tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vắc xin 5 trong 1) vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và liều nhắc lại mũi 4 (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván) lúc 18-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo thời gian, sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván của cơ thể sẽ bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, uốn ván sẽ cao hơn. Ngoài ra, môi trường học tập đông người, thường xuyên tiếp xúc gần, vận động, đùa nghịch cũng gây nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, nên khi trẻ 7 tuổi rất cần được tiêm nhắc lại. Vắc-xin này hiện có giá 170-180 nghìn đồng/mũi trên thị trường. Vì vậy, các gia đình cần quan tâm để trẻ không bị bỏ lỡ cơ hội được tiêm miễn phí loại vắc-xin này trong năm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin