Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tức là cứ 9 phút lại có một người, 40% trong số đó là trẻ em sống ở châu Á và châu Phi. Vào năm 2015, thế giới đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại từ chó gây ra ở người vào năm 2030.
MC Hoài Anh và hai vị khách mời. |
Nhằm giúp người dân hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và tác hại của dịch bệnh gây ra, áp dụng các giải pháp cách phòng, chống hiệu quả, Báo Thái Nguyên phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Y tế Thái Nguyên tổ chức diễn đàm trực tuyến với chủ đề: Những điều cần biết về phòng, chống bệnh dại, với sự tham gia của 2 vị khách mời:
1. Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
2. Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên.
Bệnh dại là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người, qua vết cắn hay liếm của động vật đã nhiễm bệnh dại, virus trong dịch tiết (phần lớn là nước bọt) sẽ lây truyền sang người bị cắn. Khi đã lên cơn dại, người và động vật đã nhiễm bệnh đều tử vong. Loại động vật nhiễm bệnh lây truyền sang người phổ biến nhất là chó, ngoài ra còn có mèo, cáo, dơi, chồn hôi, gấu trúc...
Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, đặc biệt có chiều hướng gia tăng liên tục trong thời gian gần đây sau đại dịch Covid-19.
Năm 2021, cả nước có 66 ca tử vong. Năm 2022 số ca tử vong tiếp tục tăng lên 70 ca. Năm 2023 có 82 ca tử vong. 11 tháng năm 2024 đã xảy ra 76 ca tử vong do bệnh dại.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Bên cạnh đó, số người bị chó, mèo và các loài động động vật khác cắn lên tới 700.000 người mỗi năm, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe tinh thần và kinh tế của người dân.
Riêng tại Thái Nguyên, tính đến hết tháng 10 năm 2024 đã có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại; 7.728 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi dại cắn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023 (5.992 người), trong đó có 1.605/7.728 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, chiếm tỷ lệ 31,2%. Trong đó, Phú Lương, Đại Từ, Định Hoá, Phú Bình là các địa phương có số lượng người bệnh bị chó, mèo cắn nhiều nhất.
MC Hoài Anh. |
MC Hoài Anh: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho bác sĩ Hoàng Anh, bác sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về những con số biết nói mà chương trình vừa đưa ra? Nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh dại là gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Bác sĩ Hoàng Anh: Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vào năm 2015, thế giới đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại từ chó gây ra ở người vào năm 2030 trên toàn thế giới. Bệnh dại được đưa vào Lộ trình kiểm soát toàn cầu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đoạn 2021-2030 của Tổ chức Y tế thế giới.
Nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của chính quyền và cộng đồng đối với hoạt động phòng chống dại, Liên minh Phòng chống bệnh dại Thế giới đã lựa chọn ngày 28 tháng 9 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.
Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo. Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
MC Hoài Anh: Thường mất bao lâu để bệnh dại khởi phát trên chó mèo? Biểu hiện bệnh cụ thể ra sao thưa ông Đỗ Đình Trung?
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên. |
Ông Đỗ Đình Trung: Thời gian ủ bệnh ở chó, mèo có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng. Khi chúng phát bệnh thì thời gian từ khi phát bệnh cho đến khi chết dao động từ 1 đến 7 ngày. Biểu hiện cụ thể như sau:
Triệu chứng bệnh dại ở chó: Các biểu hiện của bệnh dại có 02 thể chính: thể dại điên cuồng, thể dại bại liệt (thể dại câm) và 01 thể hiếm gặp hơn là thể ruột.
1. Thể điên cuồng:
- Chó hung dữ khác thường, các phản xạ vận động bị kích thích mạnh.
- Chó dữ tợn, điên cuồng, tấn công các con vật khác (kể cả người).
- Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, nước dãi chảy nhiều.
- Giọng sủa khàn.
- Liệt hàm dưới, liệt chi, liệt toàn thân và chết.
- Thể dại điên cuồng chỉ chiếm ¼ các trường hợp, đa số là thể dại câm.
2. Thể dại bại liệt (thể dại câm):
- Tiến triển từ 2-3 ngày
- Con vật buồn bã khác thường;
- Có thể con vật bị bại liệt một phần cơ thể, hai chân sau nhưng thường liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, nước dãi chảy tự do;
- Không nhai, nuốt, không cắn sủa được.
- Con vật chết do kiệt sức.
3. Thể ruột:
- Đây là thể rất ít gặp, triệu chứng không điển hình nên ít được chú ý đến;
- Chó chỉ thấy nôn mửa, đau bụng, có dấu hiệu viêm dạ dày – ruột;
- Con vật không có biểu hiện hung dữ hay bại liệt, sau 2-3 ngày thì chết.
Triệu chứng bệnh dại ở mèo
- Mèo ít bị dại hơn chó (chỉ khoảng 2-3%);
- Thời gian nung bệnh 6-10 ngày;
- Con vật núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn như khi động đực;
- Khi người chạm vào, con vật thường cắn mạnh và hăng, tạo thành những vết thương sâu, thường ở phần trên của cơ thể, rất nguy hiểm;
- Cuối cùng, mèo chết trong tình trạng liệt toàn thân, kiệt sức và hôn mê.
- 100% số chó, mèo phát bệnh dại không thể điều trị được.
MC Hoài Anh: Thưa bác sĩ, đối người không may bị chó, mèo cắn thì cần có biện pháp xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn? Và, người dân Thái Nguyên có thể tìm đến các địa chỉ nào để tiêm vacxin phòng dại và huyết thanh kháng dại thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Anh: Bệnh dại phần lớn có thời gian ủ bệnh rất dài, do vậy có thể điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với nguyên tắc:
- Rửa kỹ vết cắn càng sớm càng tốt;
- Tiêm vắc xin phòng càng sớm càng tốt;
- Phải tiêm đủ liều để đảm bảo rằng có đáp ứng miễn dịch trước khi virus xâm nhập vào thần kinh trung ương;
- Sử dụng huyết thanh kháng dại phối hợp với vắc xin nếu vết cắn ở cấp độ 3.
Khi bị chó, mèo cắn người dân không được:
- Sờ vào vết thương bằng tay không;
- Cho các chất kích thích vào vết thương như đất, ớt, dầu, lá thơm, phấn, lá trầu không…
- Khâu vết thương: không được làm vết thương trầm trọng hơn hoặc tổn thương rộng hơn, trừ trường hợp chảy máu quá nhiều thì thắt mạch làm giảm chảy máu, càng tránh khâu vết thương càng tốt. Trong trường hợp bắt buộc phải khâu vết thương thì nên thấm huyết thanh kháng dại tại vị trí vết thương rồi mới khâu;
- Đốt vết thương; chữa thuốc nam.
Người dân Thái Nguyên có thể đến Trung tâm Y tế các huyện/thành phố và cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ thấp so với tổng đàn. |
MC Hoài Anh: Xin ông Đỗ Đình Trung cho biết thực trạng tiêm phòng dại cho đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Đỗ Đình Trung: Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ thấp so với tổng đàn; chưa đảm bảo miễn dịch quần thể. Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo cần đảm bảo đạt ít nhất 70% tổng đàn để có hiệu quả trong phòng chống bệnh dại.
Tỷ lệ tiêm phòng hàng năm tuy đạt cao so với kế hoạch giao, nhưng so với tổng đàn còn thấp, tỷ lệ tiêm phòng không đồng đều giữa các địa phương. Cụ thể: Hiện nay, số lượng chó nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dao động khoảng trên 250.000 con. Trong đó, chó nuôi được xích, nhốt chiếm khoảng 40% còn lại chủ yếu vẫn là hình thức nuôi thả tự do, để giữ nhà, bán thịt, chưa được xích, nhốt. Số lượng chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin dại hàng năm dao động từ 135.000- 147.700 liều/năm, đạt 85-95% so với kế hoạch giao và đạt bình quân khoảng từ 54- 60% so với tổng đàn.
Thói quen nuôi chó thả rông; công tác giám sát, quản lý đàn chó tại các địa phương vẫn còn lỏng lẻo.
Ý thức của người dân về bệnh dại chưa cao, không tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo định kỳ và không đi tiêm phòng cho người sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn.
Nhà nước còn thiếu kinh phí cho công tác tuyên truyền; cho đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vắc xin cho công tác phòng, chống bệnh dại.
Mèo là thú cưng của nhiều gia đình ở đô thị. |
MC Hoài Anh: Vậy hiện nay, công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi tại Thái Nguyên có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Trung: Hiện nay, công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi tại Thái Nguyên có gặp phải một số khó khăn sau:
- Hiện nay chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ mua vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó mèo nuôi. Bên cạnh đó đối với những hộ khó khăn, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng cao, người nuôi nhiều chó mèo khó có khả năng tự chi trả kinh phí để mua vắc xin để tiêm cho đàn chó mèo. Tỉ lệ đàn chó mèo được tiêm phòng chưa đồng đều giữa các địa phương.
- Thái Nguyên có địa bàn rộng, dân cư phân tán rải rác, phần lớn đàn chó nuôi trong dân đều theo phương thức nuôi thả tự do, hiểu biết của người dân về bệnh dại còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh dại.
- Chính quyền địa phương nhất là tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc, chưa thực hiện nghiêm túc văn bản quy phạm pháp luật, còn giao phó cho cán bộ thú y cơ sở là chính.
- Đặc biệt ý thức chủ động tích cực phòng ngừa bệnh dại của người dân khi bị phơi nhiễm với vi rút dại còn chưa cao. Đa số các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan Thú y và không đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị tiêm phòng trên người. Vẫn còn các trường hợp người bị chó cắn đi thử và chữa bệnh bằng thuốc nam.
MC Hoài Anh: Có một thực tế là hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng bởi vậy nhiều trường hợp người bệnh sau khi bị chó/mèo dại cắn sẽ không đến các cơ quan y tế để điều trị mà tìm đến các bài thuốc nam, thuốc gia truyền để cứu chữa. Vậy ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bác sĩ Hoàng Anh: Bệnh dại tỷ lệ tử vong gần 100%, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng. Không có bệnh dại ở chó mèo, không có bệnh dại ở người. Cần rửa vết thương càng sớm càng tốt. Người bệnh sau khi bị chó/mèo cắn cần được đánh giá nguy cơ để chỉ định điều trị dự phòng đúng đối tượng. Có chỉ định điều trị dự phòng thì điều trị càng sớm càng tốt; không có chống chỉ định với tất cả các đối tượng.
MC Hoài Anh: Trên thực tế nhiều người dân vẫn lo ngại về những tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy ra khi tiêm vacxin phòng dại. Vậy bác sĩ có thể chia sẻ với khán giả của Báo Thái Nguyên về mức độ an toàn của vacxin phòng dại hiện nay được hay không?
Bác sĩ Hoàng Anh: Hiện nay vacxin dại tế bào có hiệu lực cao và an toàn. Người được tiêm vacxin dại sẽ có kháng thể chủ động. Tiêm vacxin phòng dại là biện pháp duy nhất cứu người thoát khỏi bệnh dại nếu bị động vật dại cắn/cào/liếm.
MC Hoài Anh: Ngược lại, có người cho rằng tiêm vacxin phòng dại là cách duy nhất để phòng được bệnh dại, nên mong muốn được tiêm để phòng bệnh. Theo bác sĩ điều này có đúng hay không?
Bác sĩ Hoàng Anh: Người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virut dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm. Chỉ sử dụng vacxin tế bào.
Vacxin chỉ định cho các nhóm đối tượng sau:
- Cán bộ thú y, kiểm lâm, bảo tồn thú hoang;
- Nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virut dại;
- Người làm nghề giết mổ chó;
- Người đi du lịch đến các vùng lưu hành bệnh dại cao.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Phú Bình kiểm tra vết thương của bệnh nhi do bị chó cắn. |
MC Hoài Anh: Chúng ta đang hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại vào năm 2030, vậy thời gian qua công tác phối hợp giữa ngành chăn nuôi thú y và y tế được thực hiện ra sao để đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Trung: Công tác phối hợp giữa hai ngành chăn nuôi, thú y và y tế luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế quan tâm chỉ đạo chung trong vấn đề phòng chống bệnh Dại và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người như bệnh Cúm gia cầm, liên cầu khuẩn…
Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 397/QCPHLN-KSBT-CNTYTS ngày 11/4/2023 “Quy chế phối hợp liên ngành giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về phòng chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người”.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã chủ đông phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, các văn bản chỉ đạo chung trong công tác phòng chống bệnh dại. Tham mưu xây dựng các kế hoạch về phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đầy đủ và kịp thời.
Tham gia phối hợp cử các thành viên của đơn vị tham gia các đoàn kiểm tra trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật có thể lây sang người, trong đó có bệnh dại; phối hợp trong công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo nuôi, khi bị chó mèo cắn cần khai báo và đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị dự phòng…
Thường xuyên phối hợp, chia sẻ thông tin 2 chiều giữa cơ quan quản lý thú y và y tế để kịp thời nắm bắt thông tin về các trường hợp chó cắn người để truy tìm nguồn gốc các ca bệnh dại trên động vật, xử lý các ổ dịch chó dại phát sinh, quản lý bệnh dại trên đàn chó nuôi.
MC Hoài Anh: Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi thú y có những giải pháp nào để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn vật nuôi cũng như có những khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi chó mèo?
Ông Đỗ Đình Trung: Các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại trên đàn vật nuôi:
- Tăng cường thông tin tuyên truyền về bệnh dại bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân và chủ nuôi chó về sự nguy hiểm của bệnh dại đến tính mạng con người, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh dại cho chó mèo nuôi.
- Trên cơ sở tổng đàn chó đã thống kê hàng năm, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin dại hàng năm cho các huyện, thành phố. Mục tiêu phấn đấu tiêm từ 70% trở lên số chó trong diện tiêm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, tuyến cơ sơ thực sự vào cuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo nuôi.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch tiêm phòng và tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo nuôi 2 đợt chính trong năm thường vào tháng 3, tháng 9 và tiêm phòng bổ sung định kỳ hàng tháng.
- Thành lập các đoàn kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra việc triển khai tiêm phòng vắc xin dại tại các địa phương. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại, nuôi chó thả rông nơi công cộng theo đúng quy định của pháp luật.
Các khuyến cáo đối với người chăn nuôi chó mèo:
- Các hộ nuôi chó, mèo phải khai báo và đăng ký với trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó nhằm quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi.
- Tham gia tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo nuôi theo quy định. Hàng năm phải tiêm phòng vắc xin dại nhắc lại cho đàn chó mèo nuôi.
- Thực hiện nuôi chó phải xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi thả ra ngoài.
- Khi chó mèo nuôi có các biểu hiện của bệnh dại cần phải khai báo với chính quyền địa phương, thú y cơ sở và tiến hành xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Cán bộ thú y cơ sở tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho đàn chó của người dân ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên). |
MC Hoài Anh: Đối với ngành y tế cũng có những giải pháp cũng như khuyến nghị đưa ra để công tác phòng chống dịch tốt hơn trong thời gian tới là gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Anh: Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh nói riêng và ngành Y tế Thái Nguyên nói chung sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030” tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021; Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại; Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
2. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh dại;
3. chủ động giám sát, phát hiện bệnh dại trên động vật để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.
4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dại;
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống bệnh dại; Thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật.
MC Hoài Anh: Thưa Quý vị, hy vọng những thông tin mà 2 vị khách mời đã chia sẻ trong chương trình hôm nay cùng các khán giả của Báo Thái Nguyên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn, hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại vào năm 2030.
Đến đây thì thời lượng Chương trình Diễn đàn trực tuyến cũng xin được khép lại, cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin