Do giãn cách xã hội nên phải ở nhà lâu dài, cùng với việc được gia đình bồi bổ dinh dưỡng quá mức, dẫn đến trẻ có nguy cơ bị tăng thừa cân. Điều quan trọng là bố mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cân bằng vitamin, xơ, khoáng chất, giảm đạm, béo, tinh bột để giúp con giữ cân, phát triển cân đối.
Cần có chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ tránh nguy cơ thừa cân và béo phì. Ảnh: Duy Anh
Thừa cân, béo phì tăng nhanh
Bộ Y tế vừa công bố kết quả Tổng điều dinh dưỡng 2019 - 2020, theo đó, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Đặc biệt báo động ở khu vực T.P, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực T.P đã chạm ngưỡng 26,8%; nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại T.P Hồ Chí Minh vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng cả ba yếu tố về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, thừa cân, béo phì được xem là tăng nhanh đến đáng ngại. Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: nguyên nhân chính là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nên đã ép trẻ ăn rất nhiều. Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể sẽ bị béo phì ở tuổi tiểu học, THCS và THPT...
“Có những em bé ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3 - 5kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học thừa 8 - 10kg và đến giai đoạn THCS thừa 15 - 20kg” - PGS. TS Bùi Thị Nhung nói. Theo bà, bên cạnh chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ em tiểu học còn dễ tăng cân bởi xem nhẹ yếu tố vận động, khiến mất cân bằng năng lượng mà chủ yếu cán cân nghiêng về phía “nạp” hơn phía “tiêu”. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, 39% số học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.
Đề cập đến hậu quả, TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành. “Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài” - TS Lưu Thị Mỹ Thục nhấn mạnh.
Giải pháp nào?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tiểu học nên được chú trọng xử lý sớm. Tuy nhiên, cần xác định đây là bài toán khó, không thể giải ngay trong một sớm một chiều. Các bậc phụ huynh cần dùng chuẩn tăng trưởng, biểu đồ để theo dõi sự tăng trưởng và tình trạng dinh dưỡng của con, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ ở mức hợp lý, đủ “chất” nhưng không dư “lượng”.
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung: trước tiên cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. Khi trẻ bị thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối. Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, pho mát, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn... Cũng cần hạn chế các loại đồ ngọt như đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường… vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh đến việc cho trẻ hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi. Ngoài các môn thể thao vận động, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà để tăng cường vận động như lau dọn nhà cửa, tưới cây, bưng bê đồ đạc nhẹ nhàng phù hợp với sức của trẻ. Việc tăng cường hoạt động thể lực giúp tiêu hao năng lượng thừa, giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ. Các bậc phụ huynh nên hạn chế trẻ các hoạt động ngồi một chỗ trong thời gian dài như ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử...