Kiểm soát mỡ máu, chặn nguy cơ đột quỵ

09:30, 13/08/2021

 Mỡ máu cao là “kẻ giết người thầm lặng” có thể gây ra những cái chết đột ngột nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra cholesterol máu để nhận biết sức khỏe cơ thể mình.

Đột quỵ não - biến chứng nguy hiểm do mỡ máu cao.

Mối nguy khởi phát đột quỵ

Theo các chuyên gia, trong máu lúc nào cũng có mỡ - dưỡng chất cần thiết để duy trì sự sống. Tuy nhiên, nếu mỡ cao hơn mức cần thiết thì sẽ gây nên rối loạn mỡ máu, xơ vữa, tắc mạch máu. Mỡ máu cao thường bắt đầu xảy ra ở tuổi trung niên, có thể gây ra cái chết đột ngột mà người bệnh không biết nếu không thường xuyên kiểm tra nồng độ cholesterol.

Hiện nay, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó mỡ máu cao được xem là nguyên nhân hàng đầu khởi phát đột quỵ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỡ máu cao có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 28 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến rối loạn mỡ máu.

Tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng thống kê, có 29% số người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ. Ở thành thị, tỷ lệ này là 44,3%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là 71% số người bị mỡ máu không lường được biến chứng tai hại của bệnh.

Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho hay: Mỡ máu cao có thể xảy ra với bất cứ ai và là bệnh mạn tính, không thể xử lý dứt điểm. Những triệu chứng cảnh báo người mắc bệnh máu nhiễm mỡ như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp, tê yếu ở mặt, tay hoặc chân ở một bên cơ thể, thị lực giảm. Bệnh phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch. Bệnh sẽ tiến triển một cách âm thầm, đa phần người bệnh được phát hiện khi làm xét nghiệm vì một số bệnh lý khác.

Chế độ ăn giảm mỡ máu

Để phòng bệnh mỡ máu cao, tất cả chúng ta, từ người trẻ tuổi cho đến người lớn tuổi đều phải có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho hay: Mỡ máu cao thường xảy ra ở người trung niên trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi bệnh nhân mắc máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. Ngoài vấn đề về tuổi tác, giới tính, di truyền hoặc ảnh hưởng từ bệnh lý khác, những nguyên nhân chính gây nên mỡ máu cao là chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, lạm dụng đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động. Đặc biệt, những người ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều chất béo, nghiện rượu, bia hoặc béo phì sẽ có nguy cơ tăng mỡ máu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng: Máu nhiễm mỡ liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Do đó, người dân nên tiết chế lượng thức ăn chứa nhiều cholesterol như thịt đỏ, bơ, trứng, phô mai, sữa béo, nội tạng động vật, nên ăn các loại ngũ cốc kết hợp với củ quả. Người bị béo phì nên có chế độ giảm béo một cách từ từ, không nóng vội, không dùng các loại dược phẩm, thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép. Người nghiện thuốc lá, bia, rượu cần sử dụng giảm dần để đi tới bỏ hẳn. Người dân nên tăng cường ăn các thức ăn chứa nhiều chất béo không bão hòa như các loại cá, rau xanh, hoa quả, sữa đậu nành, dầu hướng dương...

Những người bị mỡ máu cao nên khám bệnh tại một cơ sở y tế nhất định để tiện việc theo dõi và cần phải đi khám định kỳ thường xuyên. Những trường hợp đã áp dụng chế độ ăn hợp lý, chế độ tập luyện đều đặn mà mỡ máu không được cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể thì cần được bác sĩ khám, chỉ định dùng thuốc làm giảm mỡ máu. Việc dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu phải được chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa. Người mỡ máu cao tuyệt đối không tự động mua thuốc dùng khi không có đơn của bác sĩ, bởi “dùng thuốc giảm mỡ máu cần phải theo dõi chặt chẽ men gan và một số chỉ số sinh hóa khác”, GS.TS Nguyễn Văn Thông khẳng định.