Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em: Cần triển khai thận trọng

10:37, 19/08/2021

Từng được xếp vào nhóm đối tượng ít gặp rủi ro hơn so với người lớn, tuy nhiên tình trạng số ca mắc COVID-19 và có triệu chứng nặng ở trẻ em gia tăng trong thời gian gần đây cùng với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang khiến nhiều quốc gia cân nhắc và thúc đẩy chương trình tiêm chủng ở nhóm đối tượng trên. Quá trình này được triển khai thận trọng, thông qua việc theo dõi sát sao các khuyến nghị của chuyên gia y tế để bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Trẻ em tại thành phố Philadelphia (Mỹ) được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước tình trạng số ca mắc và có triệu chứng nặng gia tăng.

Vào thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát, những tác động đối với trẻ em thường chỉ được xem xét từ khía cạnh xã hội, giáo dục và nhân đạo, như việc trường học đóng cửa, thiếu hụt vắc xin phòng các bệnh khác, ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý... Song tình hình hiện đã thay đổi. Hãng tin CNN (Mỹ) dẫn báo cáo của Viện Nhi khoa của Mỹ (AAP) cho biết, từ ngày 5 đến 12-8, có tổng cộng 121.427 trẻ em mắc COVID-19 được báo cáo tại Mỹ, mà AAP gọi là “một sự gia tăng đáng kể liên tục”. Chia sẻ với kênh WRTV thuộc Hãng ABC News (Mỹ), bác sĩ Dorota Szczepaniak của Bệnh viện Nhi Riley ở bang Indiana (Mỹ) cho hay: “Mùa đông năm ngoái, chúng tôi hầu như không có trẻ nào mắc COVID-19. Trong hai tuần qua, thật đáng lo ngại khi nhiều trẻ có kết quả dương tính”.

Theo Tạp chí Phố Wall (Mỹ), biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn đã làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh cũng như các ca bệnh có triệu chứng nặng ở trẻ em. Mùa tựu trường đang đến gần khiến nhiều bậc cha mẹ cân nhắc việc đưa con mình đi tiêm chủng. Theo bản tóm tắt dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số lượng trẻ em dưới 18 tuổi được tiêm liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên đã tăng lên trong vòng 4 tuần tính đến ngày 11-8, với hơn 500.000 trường hợp.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan cho biết, Bộ Y tế nước này đang tham vấn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi mắc bệnh mạn tính, trong bối cảnh tình trạng nhiễm bệnh ở nhóm tuổi này tăng lên. Tổng Giám đốc Suwannachai Wattanayingcharoenchai của Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết: Số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại nước này vẫn ở mức cao và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm tuổi từ 12 đến 18. Tổng cộng có 7.787 người thuộc nhóm này được chẩn đoán mắc COVID-19 chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8. Đến tuần thứ hai, con số này đã tăng lên 8.733 người.

Theo tờ The Telegraph (Anh), hơn 75.000 trẻ em từ 12 đến 15 tuổi ở Ireland đã đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong 48 giờ đầu tiên sau khi cổng thông tin trực tuyến về việc tiêm phòng cho lứa tuổi này được mở. Hơn 10.000 em trong số này đã được tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ sau khi đăng ký. Còn tờ Times of Israel dẫn lời Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết, trẻ em sẽ được chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các trường học vào đầu năm học.

Trong khi đó tại Canada, Đài Global News (Canada) đưa tin, chính quyền tỉnh Ontario của nước này cho biết, trẻ em 11 tuổi và tròn 12 tuổi vào thời điểm cuối năm 2021 sẽ đủ điều kiện để tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện tại Pfizer là vắc xin duy nhất được chấp thuận để tiêm cho trẻ em ở Canada. Phụ huynh có thể đặt lịch cho con qua hệ thống của tỉnh, đơn vị y tế công cộng tại địa phương, các nhà thuốc hoặc các điểm tiêm chủng đại trà.

Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, cần có thêm bằng chứng khoa học về việc sử dụng các loại vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ em để đưa ra khuyến nghị chung về tiêm chủng cho nhóm đối tượng này. Các thử nghiệm vắc xin cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng đáng tin cậy hoặc tình hình dịch tễ học cho thấy cần có sự thay đổi trong chính sách.