Tổng hợp giải đáp thắc mắc liên quan đến tiêm vắc xin COVID-19

08:40, 29/08/2021

 Đăng ký tiêm vắc xin online như thế nào? Đến lịch tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 nhưng không ở nơi cư trú thì phải làm sao? Đã tiêm mũi 1 vắc xin nhưng chưa có giấy chứng nhận hoặc chưa cập nhật thông tin lên sổ sức khỏe điện tử thì làm thế nào để được tiêm mũi 2? HNMO tổng hợp thông tin giải đáp từ ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế).

Tổng lượng mũi tiêm được nhập lên hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia đến sáng 25-8 là trên 18 triệu mũi. Ảnh minh họa

Đăng ký tiêm vắc xin online như thế nào?

Từ ngày 10-7, mọi người dân có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin COVID-19 online qua 2 cách:

- Truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn: https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website.

- Đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 bằng cách truy cập đường dẫn https://hssk.kcb.vn/#/sskdt để tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. 

Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vắc xin.

Để đăng ký tiêm, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vắc xin sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Vì sao đã tiêm mũi 1 mà chưa có thông tin chứng nhận?

Việc sau khi tiêm mũi 1 chưa có chứng nhận tiêm trên hệ thống tiêm chủng do nhiều cơ sở tiêm chưa triển khai tiêm trên Nền tảng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nên dẫn đến chưa có thông tin chứng nhận tiêm điện tử trên Cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn hoặc trên app Sổ sức khỏe điện tử.

Các trường hợp đã đến lịch tiêm mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 nhưng đang ở địa phương khác thì phải làm sao? 

Trong trường hợp người dân tiêm mũi 1, sau đó di chuyển đến địa phương khác thì báo cơ quan, tổ chức, địa phương mình có văn bản gửi địa phương nơi đến hỗ trợ lập danh sách kế hoạch tiêm mũi 2. 

Khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2 và để tiêm mũi 2 thì người dân cũng cần đăng ký tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.

Người đã tiêm mũi 1 nhưng bị thất lạc giấy xác nhận hoặc không có thông tin chứng nhận tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia thì phải làm sao để tiêm mũi 2?

Trường hợp đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 nhưng bị thất lạc giấy xác nhận hoặc không có thông tin chứng nhận tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, người dân vẫn được tiêm mũi 2.

Khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2 và để tiêm mũi 2 thì người dân cũng cần đăng ký tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.      

Hầu hết những người đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đều nằm trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo lịch tiêm mũi 2. 

Sửa thông tin cá nhân đăng ký sai trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia như thế nào?

Khi đăng ký thông tin trên ứng dụng, nền tảng có gửi tin nhắn OTP để xác nhận số điện thoại của người được tiêm nên việc sai số điện thoại rất khó xảy ra.

Thông tin số điện thoại và mã sổ sức khỏe điện tử là duy nhất và mang tính định danh nên không thể thay đổi được.

Với các thông tin còn lại, bao gồm ngày sinh, họ và tên, giới tính..., đều có thể được kiểm tra và thay đổi thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. 

Bên cạnh đó, trước khi tiêm, các y, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra lại thông tin cá nhân của người được tiêm một lần nữa, có thể cập nhật lại thông tin tại nơi tiêm.

Đến nay, nền tảng Quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được xây dựng để đáp ứng hoạt động tiêm chủng tại hơn 19.000 điểm tiêm.

Tại các điểm tiêm ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia, người dân sẽ mất chưa đến 5 giây để xác nhận thông tin bằng mã QR.

Tổng lượng mũi tiêm được nhập lên hệ thống đến sáng 25-8 là 18.090.091 mũi. Con số này tương ứng với hơn 18 triệu Chứng nhận tiêm chủng đã cấp phát cho người tiêm.